VITM 2019: Hướng tới “Du lịch xanh” làm mũi nhọn
(Dân trí) - Nhằm hưởng ứng Chiến lược phát triển bền vững 2030 do Liên hợp quốc đề ra, ban tổ chức của Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2019 hướng tới chủ đề “Du lịch xanh”. Qua đó, doanh nghiệp du lịch có cơ hội giới thiệu các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, sáng kiến bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu…
Kể từ năm 2013 đến nay, Hội chợ VITM do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã trở thành sự kiện du lịch thường niên. Diễn đàn Du lịch xanh là hoạt động mở màn cho chuỗi các sự kiện của Hội chợ VITM 2019 năm nay.
Trong khuôn khổ các sự kiện của Hội chợ VITM 2019, diễn đàn “Du lịch xanh” được tổ chức với sự tham dự của ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch; ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; bà Jesus Figa Lopez Palop, Đại sứ Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam; ông Steven Schipaini, đại diện vụ Đông Nam Á, ngân hàng phát triển châu Á, cùng nhiều quan khách, cơ quan báo chí truyền thông tới đưa tin.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định: “Phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung trong phát triển du lịch nhiều quốc gia trên thế giới và các sản phẩm du lịch xanh luôn được du khách trên thế giới quan tâm, đón nhận”.
Khái niệm về Du lịch xanh vốn không xa lạ với các nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam còn thiếu những diễn đàn trao đổi về vấn đề này, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Có thể hiểu du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động tới môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn các di sản thiên nhiên, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững. thông qua diễn đàn, du lịch xanh được tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu và thực tiễn triển khai của doanh nghiệp.
Buổi thảo luận được chia thành 2 phiên chính. Trong phiên thảo luận đầu tiên, các diễn giả đi sâu vào việc chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm phát triển du lịch xanh tại một số quốc gia, cũng như tại Việt Nam.
Tại buổi thảo luận, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, nêu lên thực trạng phát triển du lịch xanh tại Việt Nam, khái quát sự phát triển du lịch xanh tại nước ta trong những năm qua, đồng thời đưa ra định hướng và giải pháp trong thời gian tới.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển du lịch, bên cạnh những tiềm năng phát triển du lịch xanh tại Việt Nam, hiện còn tồn tại nhiều vấn đề và trở thành thách thứ không nhỏ, bao gồm: Nhận thức về phát triển du lịch xanh của người dân chưa đầy đủ, chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc phát triển bền vững; Thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể để phát triển du lịch xanh; Vấn đề tài chính và đầu tư vào các giải pháp xanh; Việc tiêu thụ năng lượng, tài nguyên nước khó kiểm soát chặt chẽ; đồng thời hiệu quả việc áp dụng các cơ chế chính sách về tăng trưởng xanh trong du lịch chưa cao.
Cũng trong buổi thảo luận, ông Steven Schipani, đại diện Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra những kế hoạch của ADB đối với du lịch xanh trong tương lai, trong đó bao gồm phát triển các thành phố xanh; phát triển hệ thống giao thông công cộng tại đô thị; giảm thải carbon tái chế và hiệu quả năng lượng; quản lý các khu bảo tồn tự nhiên và văn hóa, đồng thời hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong phiên trao đổi thứ 2 xoay quanh trọng tâm chính là những bài học chia sẻ kinh nghiệm từ triển khai thực tế của các doanh nghiệp du lịch và người dân làm du lịch.
Thông qua buổi diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực hiệp hội du lịch Việt Nam cam kết Hiệp hội du lịch sẽ tiếp tục đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh du lịch xanh tại Việt Nam.
Hoàng Hà