Vì sao du lịch Hải Phòng nhiều tiềm năng nhưng lại chưa thể bứt phá?
(Dân trí) - Dù được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, tuy nhiên trong những năm qua, du lịch Hải Phòng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Du lịch Hải Phòng đâu chỉ có 3 tháng hè?
Tại Hội thảo "Du lịch Hải Phòng - Cơ hội vàng bứt phá" được tổ chức vào ngày 20/4 mới đây, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá Hải Phòng có nhiều điều kiện để phát triển du lịch.
Hải Phòng là đầu mối giao thông quan trọng, một trong những trung tâm du lịch biển lớn nhất ở khu vực miền Bắc và cả nước. Ngoài ra nơi đây cũng giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời cũng như tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Theo ông Phúc, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Dù vậy trong những năm qua, du lịch Hải Phòng chưa phát triển tương xứng.
"Lượng khách du lịch quốc tế đến Hải Phòng hạn chế, mới chỉ đạt gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 1/18 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) năm 2019… Ngoài ra, tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách, chưa thể tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế", ông Phúc nhìn nhận.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế, du lịch đã thẳng thắn phân tích các "nút thắt" khiến cho du lịch Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Phạm Hà - CEO Lux Group cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông từ trung tâm thành phố ra đảo Cát Bà hiện còn nhiều bất cập. Ngày cao điểm, nghỉ lễ, tình trạng ùn tắc kéo dài qua phà Gót - Cái Viềng khiến lịch trình di chuyển tham quan, nghỉ dưỡng của du khách bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa cao, việc định vị thương hiệu du lịch Hải Phòng cũng chưa thực sự nổi bật.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy - Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) cho rằng Hải Phòng cần tạo ra các sản phẩm du lịch 4 mùa chứ không chỉ tập trung vào 3 tháng hè như trước.
"Mùa xuân tập trung lễ hội tâm linh, mùa hè tập trung du lịch biển, mùa thu chú trọng khai thác thiên nhiên, mùa đông phát triển tắm khoáng. Như vậy, Cát Bà sẽ phát triển du lịch được 4 mùa chứ không chỉ 3 tháng như trước", ông Bảy nêu quan điểm.
Tăng cường các chuyến bay quốc tế, hút khách du lịch
Chia sẻ kinh nghiệm từ việc thu hút khách của địa phương mình, ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết, năm 2019 tỉnh đón 14,5 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu ngành du lịch đạt 29 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 3,5 nghìn tỷ đồng là hoạt động trực tiếp từ hoạt động du lịch.
Để có con số ấn tượng như thế, theo ông Thanh Quảng Ninh trước hết đã thay đổi tư duy đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", nghĩa là từ ngành công nghiệp khai khoáng sang dịch vụ du lịch.
Từ đó, Quảng Ninh đã xây dựng quy hoạch du lịch, cũng như các quy hoạch các lĩnh vực khác để góp phần thay đổi diện mạo về không gian, sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh. Đồng thời, lấy du lịch làm số 1 trong các ngành dịch vụ để dẫn dắt các ngành khác.
Ông Thanh cho rằng, muốn tạo sự bứt phá được trong du lịch, đầu tiên phải quan tâm vấn đề hạ tầng. "Cảnh quan có đẹp, hấp dẫn nhưng không có đường đến thì các nhà làm du lịch không thể dẫn khách đến được", ông Thanh nói.
Để Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (cố vấn chuyên môn hội thảo) nêu 6 biện pháp cụ thể. Trong đó, Hải Phòng cần ưu tiên xây dựng chiến lược, quy hoạch chiến lược du lịch, tăng cường liên kết vùng...
Cải thiện cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là những nhà đầu tư có chất lượng. Phát triển sản phẩm du lịch được quan tâm nhiều như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch golf, du lịch MICE.
Ngoài ra, Hải Phòng cần thay đổi cách tiếp thị du lịch, bởi lẽ theo ông Chính xu hướng, hành vi của khách hàng hoàn toàn thay đổi sau đại dịch Covid -19, trong đó tiếp thị qua mạng xã hội, qua trang web, cơ quan truyền thông là chủ yếu.
"Tuy nhiên, để phát triển du lịch Hải Phòng, không chỉ cần sự thay đổi ở tầm địa phương mà còn phải ở cấp trung ương. Tôi cho rằng tất cả các địa phương cần mở cửa cho khách du lịch hơn, để họ đi lại dễ dàng hơn. Ưu tiên truyền thông du lịch quốc tế; các cơ chế, thông tư cần được thực hiện quán triệt, mạnh mẽ.
Đặc biệt, cần cởi mở hơn khi cấp thị thực visa cho khách quốc tế vì việc này còn nhiều bất cập, chưa thông thoáng, không được như thời kì trước khi có đại dịch Covid -19", ông Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, để du lịch phát triển, Hải Phòng có thể học hỏi tham khảo bài học của các nước có du lịch phát triển như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… đó là đầu tư, mở rộng hợp tác, thu hút khách du lịch từ các thị trường có đường bay thẳng.
Hiện cảng Hàng không quốc tế Cát Bi là một trong những điểm đến thúc đẩy du lịch Hải Phòng nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung, Hải Phòng cần tận dụng lợi thế này.
"Hải Phòng cần kiến nghị cho thí điểm áp dụng miễn thị thực đối với hành khách người nước ngoài trên các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến cảng hàng không quốc tế Cát Bi và có kế hoạch lưu trú tại Hải Phòng tối thiểu 2 đêm. Phối hợp với Tổng cục Du lịch tăng cường công tác quảng bá du lịch Hải Phòng qua các nền tảng số, các kênh thông tin trên thế giới", ông Hồ Quốc Cường đại diện Cục Hàng không Việt Nam đề xuất.
"Du lịch Hải Phòng - cơ hội vàng bứt phá" do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Sở Du lịch Hải Phòng, báo Tiền Phong tổ chức. Hội thảo thu hút khoảng 20 tham luận do các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp lữ hành, hàng không… chia sẻ thẳng thắn về những mặt còn hạn chế, cần sớm khắc phục để tăng sức hút cho du lịch Hải Phòng.