Vào “Làng” lại... mất vé

(Dân trí) - 30.000 đồng/người/lượt đó là mức vé sẽ được áp dụng từ ngày 10/7, khi khách tới thăm Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, theo phản ánh mỗi năm Làng chỉ vui vài bữa, buồn cả năm…

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 64/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo đó, kể từ ngày 10/7/2014, phí tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ áp dụng như sau: Đối với người lớn là 30.000 đồng/người/lượt; đối với sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề là 10.000 đồng/người/lượt; đối với trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông là 5.000 đồng/người/lượt.

Các đối tượng được giảm 50% mức phí tham quan gồm: các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá; người cao tuổi; người khuyết tật nặng.

Người tham quan thuộc nhiều trường hợp giảm phí chỉ được giảm 50% mức phí tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, theo phản ánh, từ khi hoàn thành đến nay, Công trình làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam chỉ thực sự là một “không gian sống”, có “hồn” vào những dịp tổ chức sự kiện, khi bà con các dân tộc từ mọi miền Tổ quốc về đây. Thế nhưng, những hoạt động này mới chỉ được tổ chức mỗi năm vài lần. Sau khoảng 1 tuần diễn ra sự kiện, Làng lại vắng lặng, đìu hiu.

Ngoài thời gian tổ chức những sự kiện nêu trên, nơi đây "vắng như chùa bà Đanh". Cả khu làng chỉ xuất hiện vài bóng bảo vệ và nhân viên, cán bộ ở khu nhà văn phòng. Nhiều du khách đến đây một lần, không muốn quay lại.

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam khai trương năm 2010, tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam rộng tới 1.544 ha tại Đồng Mô. Tính riêng kinh phí đầu tư cho dự án được Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2008-2015 đã lên tới hơn 3.200 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí khổng lồ mà ít dự án văn hóa nào có được.

Ý tưởng đầu tiên của dự án là thu hút tinh hoa vật thể và phi vật thể của "con Rồng, cháu Tiên" trong quần thể khu làng với kiến trúc đặc trưng của từng cộng đồng dân cư. Mục đích là để tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam.

Minh Phan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm