Vẳng nghe giai điệu sáo Mông!

(Dân trí) - Những chàng trai dân tộc Mông khi sinh ra đã được nghe tiếng sáo, lớn lên cùng tiếng sáo. Với người Mông sáo là người bạn trên đường đi nương rẫy, là tiếng nói của con tim tìm đến với người thương!

Trong dân gian, sáo Mông là nhạc cụ của các chàng trai. Những chàng trai Mông thường mang theo như một người bạn đường, bạn trong lao động và là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc chinh phục trái tim các cô gái. Tiếng sáo say đắm gọi người yêu và thổ lộ tâm tình cùng nàng trong những đêm trăng sáng trên các triền núi cao...

Những chàng trai Mông thường mang theo như một người bạn đường
Những chàng trai Mông thường mang theo như một người bạn đường

Người Mông sử dụng hai loại sáo: Sáo dọc và sáo ngang. Sáo dọc tiếng Mông gọi là “tràng pua”. Sáo được ghép từ 3 ống trúc, ống giữa to và dài hơn, hai ống nhỏ bên cạnh gần như là để trang trí làm cho cây sáo đồ sộ hơn.

Ở đầu ống sáo giữa, người ta cài lưỡi gà làm từ lá đồng mỏng hình tam giác được đặt trong một miếng gỗ hình chữ nhật nối liền 3 ống sáo lại với nhau.

Lưỡi gà cắt gọt mài dũa khéo léo ở gần 2 lỗ phía đầu sáo, một lỗ để ngón tay cái của bàn tay trái bấm, một lỗ để thoát hơi. Còn phía bên kia có 6 lỗ, mỗi lỗ tạo ra thứ âm thanh khác biệt theo sự điều khiển bấm lỗ của ngón tay. Đai của sáo được bọc bằng vỏ cây gỗ đàng (loại cây không có quả, thân thẳng, vỏ cây được dùng vào việc làm sáo, làm khèn) hoặc vỏ quả bầu khô.

Âm thanh của cây sáo êm dịu, dưới âm nền của hai cây sáo phụ, khiến người nghe có một cảm giác mang vẻ đẹp kín đáo, mông lung. Âm thanh từ cây sáo bay bổng như lời tâm sự chân thành, đầm ấm. Lúc trầm đục êm ái như lời mẹ ru, lúc lại réo rắt ngân vang như tiếng cười trong trẻo.

Những chàng trai Mông thường mang theo như một người bạn đường
Âm thanh của cây sáo êm dịu, dưới âm nền của hai cây sáo phụ, khiến người nghe có một cảm giác mang vẻ đẹp kín đáo, mông lung

Cũng có người lý giải rằng, vì âm thanh láy nền của nó mượt mà thướt tha như tiếng tơ lụa bay theo chiều gió, cho nên người Mông còn gọi Sáo Bầu là “Sáo Bầu tơ”

Các chàng trai Mông ai cũng biết thổi sáo và họ thổi sáo ở mọi lúc, mọi nơi có thể. Những đêm trăng sáng, trên các triền núi cao, khi tiếng Sáo cất lên miên man trên những xóm núi, thì lúc đó đồng nghĩa rằng ở đó đang nhen nhóm một mối tình giữa chàng chai Mông với cô gái trong bản.

Tiếng sáo ai vang lên giữa vẻ tĩnh mịch của núi rừng, lúc dồn dập, lúc ngập ngừng như muốn gửi gắm tình cảm, lời tâm sự của chàng trai với người mình yêu qua âm thanh thoát ra từ những nốt tròn trên thân sáo. Tiếng sáo Mông thủ thỉ như lời hát trong một bài dân ca ngọt ngào.

Tiếng sáo vút cao trong những đem rừng núi, càng làm cho vẻ thanh vắng cao siêu thanh thoát, tiếng sáo bộc lộ nỗi niềm, khát khao, tình cảm, có thể là động viên mình cũng có thể gửi cho ai đó mà mình đang yêu của chàng thanh niên Mông sau một ngày làm việc vất vả, họ thanh thản hơn và yêu cuộc sống hơn.

Mỗi khi nghe những tiếng sáo dìu dặt, người nghe dù ở đâu cũng ngỡ rằng như mình đang đứng giữa núi rừng bao la trùng điệp của vùng Tây Bắc. Bởi đó là nỗi lòng của những người đang yêu, là tình cảm, tâm hồn của mỗi người với bản làng, với núi rừng, sông suối quê hương...

Bài: Minh Phan
Ảnh: St