Tục cúng Táo quân ở Việt Nam và Trung Quốc khác nhau thế nào?
(Dân trí) - Theo tục lệ cổ xưa của người Trung Hoa, họ sẽ làm những chiếc kẹo ngọt có mạch nha để vị thần bếp "nói ngọt" lời hay ý đẹp về gia chủ với Ngọc Hoàng.
Trung Quốc vốn là quốc gia có tín ngưỡng thờ nhiều vị thần, trong số đó, thần Bếp có địa vị rất cao đối với người Trung Hoa cổ đại.
Theo quan điểm tín ngưỡng, người Việt Nam và Trung Quốc đều thờ cúng ông Công, ông Táo. Nhân vật Táo Quân xuất hiện từ trong văn hóa dân gian Trung Hoa từ rất sớm. Táo Quân trong tiếng Hoa là "Zao Shen" hay "Zao Wang", trong đó "Zao" chỉ "cái bếp lò". Bởi vậy, Táo Quân được coi là vị thần cai quản việc bếp núc trong gia đình.
Có rất nhiều câu chuyện truyền miệng xung quanh vị thần này, trong đó, truyền thuyết dưới đây được biết tới nhiều nhất.
Truyền thuyết về Táo Quân của Trung Hoa
Chuyện xưa kể rằng, Táo Quân vốn là vị thần bếp ở trên thiên đình, chuyên phục vụ chuyện bếp núc cho Ngọc Hoàng và Vương Mẫu nương nương. Vào một ngày nọ, khi Vương Mẫu mở tiệc mừng thọ, rất đông các chư vị thần tiên từ khắp nơi tới chúc tụng.
Bữa tiệc mừng hôm đó do Táo Quân làm đầu bếp chính. Rất nhiều sơn hào hải vị được chính tay vị thần này nấu nướng khiến Ngọc Hoàng, Vương Mẫu và chư vị thần tiên đều hài lòng.
Tuy nhiên tới món tráng miệng cuối cùng là bánh hoa cúc lại không được đưa lên. Táo Quân đành khai nhận với Ngọc Hoàng, trong lúc làm đã ăn hết số bánh định chuẩn bị. Sau đó, Táo Quân bị đẩy xuống hạ giới làm thần bếp.
Hàng năm cứ vào dịp 23 tháng Chạp, ông Táo lại về chầu trời một lần. Khi đó, vị thần này sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc xảy ra trong một năm của gia chủ.
Tục cúng kẹo lên Táo Quân
Cũng chính từ truyền thuyết này đã tạo nên những phong tục riêng biệt của người Trung Quốc khi thờ cúng Táo Quân.
Nếu như trong văn hóa của người Việt, ngày ông Táo không thể thiếu nghi lễ phóng sinh cá chép với ngụ ý là phương tiện để vị thần này chầu trời, thì người Trung Quốc xưa kia cúng nước sạch kèm ít cỏ khô là thức ăn cho ngựa cưỡi.
Nhà nào không có cỏ khô thì có thể dùng bánh pháo đốt thay thế, hoặc cho chút rượu vào để lửa cháy bùng lên với ngụ ý giúp ông Táo sớm "thăng thiên" chầu trời.
Một số địa phương tại Trung Quốc còn đốt cả ngựa giấy vì tin rằng đây mới là phương tiện của ông Táo lên thiên đình. Tuy nhiên, phong tục này đến nay không còn thịnh hành như trước.
Và điểm khác biệt lớn nhất chính là mâm cơm cúng tiễn ông Táo chầu trời. Tùy theo từng vùng miền ở Việt Nam sẽ có những món ăn đặc trưng của ngày 23 tháng Chạp. Còn người Trung Quốc lại có tục lệ cúng các món ngọt như bánh, kẹo.
Phổ thông nhất là món kẹo ngọt làm từ mạch nha hoặc món bánh nian gao bằng gạo nếp dẻo với đường.
Người dân tin rằng, bánh ngọt giúp Táo Quân chỉ nói những điều ngọt ngào dễ nghe, còn gạo nếp sẽ khiến miệng dính chặt, Táo Quân không bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều xấu. Đôi khi, người ta còn bôi mật ong hay mạch nha lên miệng tượng Táo Quân khi cúng bái với niềm mong ước tương tự.
Sau lễ cúng, gia chủ sẽ đốt bức tranh cũ hình Táo Quân của năm trước cùng vàng mã rồi dán bức mới lên. Nhà nào không có tranh sẽ dùng mô hình bằng giấy hoặc tượng để thay thế.
Ngày nay, phong tục tiễn Táo quân về trời của người Trung Quốc đang ngày một vắng bóng. Nhiều gia đình chỉ cúng kẹo tượng trưng, dán giấy mới vào nhà và dọn dẹp nhà cửa. Mọi nghi thức cúng bái cũng được làm giản tiện hơn trước cho phù hợp với cuộc sống hối hả của từng nhà và sự phát triển của xã hội.