Từ chối 10 tỉ đồng để giữ… 5 cây thị

Ở một vùng đất tỉnh Nghệ An có 5 cây thị tuổi đời 670 năm, cây to nhất phải gần 10 người ôm mới hết. Nhiều người trả giá tới gần 10 tỉ đồng, nhưng chủ nhân nhất quyết không bán.

Hàng ngày, chủ nhân của 5 cây thị này vẫn luôn bận rộn với công việc “hướng dẫn viên” cho du khách đến chiêm ngưỡng cây và chăm sóc chu đáo cho gốc thị gần nghìn năm tuổi. Đó là ông Lê Minh Thưởng (73 tuổi) và vườn thị “cổ thụ” an lạc trên địa bàn làng Xuân Tình, thuộc xóm 2, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Trân quý kỷ niệm, ký ức

Từ chối 10 tỉ đồng để giữ… 5 cây thị
Ông Lê Minh Thưởng đang giới thiệu với quan khách đến thăm,chiêm ngưỡng năm cây thị cổ trong vườn nhà ông

“Năm 2004, khi một tốp người Trung Quốc đóng giả là thương nhân Quảng Ninh tìm đến trả giá 5 cây thị 150.000USD, chúng tôi mới biết 5 cây thị của họ tộc để lại có giá trị vật chất lớn vậy. Nay thì hàng tuần nhiều người Việt mình đến gạ mua, có người trả giá hơn 10 tỉ đồng cả 5 cây. Hệt như chuyện cổ tích anh à, không ngờ họ trả giá tiền cây thị cao như vậy, nhưng chúng tôi nhất quyết lắc đầu, không bán. Tôi từng có gần 10 năm làm trong Phủ Chủ tịch và hàng chục năm làm trong ngành lực lượng vũ trang nên phát hiện được nhóm người đầu tiên đến tìm mua thị là người Trung Quốc đóng giả thương nhân Quảng Ninh”, ông Thưởng đứng dưới tán cây thị sum suê nói.

Lúc ấy, nhóm người Trung Quốc đến thuê khách sạn bên bờ biển Cửa Lò ở cả tuần lễ và ngày nào cũng cầm cả cục đôla đến thuyết phục ông Thưởng bán vườn thị. Nếu bán đi một cây thị cũng có thể xây lại ngôi nhà thờ - từng bị Mỹ ném bom xăng đốt cháy trong chiến tranh, hoành tráng nhất làng, xây được nhiều nhà cho người nghèo trong họ.

Từ chối 10 tỉ đồng để giữ… 5 cây thị
Anh Trần Văn Thanh (trú xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) - người trong những năm kháng chiến chống Mỹ, từng trú ẩn trong lòng cây thị tránh bom bi an toàn.

Ông Thưởng và những người trong dòng họ Lê lúc bấy giờ cũng đắn đo, đánh đổi giữa giữ cây chứa đầy kỷ niệm, ký ức cả dòng tộc, làng xã hay cầm lấy số tiền lớn chưa từng thấy ở mảnh đất cát nghèo khó này. Ông và mọi người trong dòng họ suy tính, tiền rồi cũng tiêu hết, còn 5 cây thị họ đào bứng cả gốc mang về Trung Quốc thì coi như con cháu mình mất cây, mất gốc cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Rồi từ đó, mọi người cùng “biểu quyết”: Một cây cũng không bán.

Đến năm 2005, VTV3 phát sóng “Chuyện lạ Việt Nam” về 5 cây thị cổ này, từ đó người dân ở Hải Phòng và các tỉnh ghé vào nhà ông Thưởng chiêm ngưỡng cây thị và trả giá thêm đông đúc. Đặc biệt, cuối năm 2009, có mấy người từ Nam ra thăm quan, quá mê thích 5 cây thị nên đòi mua cả đất vườn với giá rất cao để làm Khu du lịch sinh thái. Không chỉ trả giá vườn thị, họ còn đòi mua những mảnh vườn của con cháu ông đang sống quanh đó với giá cao. Ông Thưởng phải từ chối khéo với lý do “đất hương hỏa của tổ tiên để lại, chúng tôi không thể bán được”.

Trong 5 cây thị, có một cây cho quả không hạt. Cây lớn nhất có chu vi khoảng 15m, được đặt tên là cây thị tổ, cho mỗi quả nặng khoảng 1kg. Có cây già cỗi, ruột mục rỗng nhiều đời nay, tạo thành những cái hốc trong ruột cây chứa được khoảng 3-5 người, nhưng cành, lá vẫn xanh tốt.

“Nhiều người đến xin đào cây nhỏ trong vườn tôi hay chiết cành về trồng, nhưng cây đều không sống, chỉ có thể đợi mùa thị lấy hạt về đúc thì cây mới lên được. Trong vườn, ngoài năm cây thị cổ còn có gần chục cây con tuổi đời từ hàng chục năm đến trăm năm, được trả giá 150 triệu đồng/cây, nhưng chúng tôi cũng không bán. Bởi chúng tôi muốn bảo vệ, gìn giữ vườn thị tự nhiên, để mọi người đến chiêm ngưỡng”, ông Thưởng cho biết thêm.

Cứ đến đầu mùa thị, người dân trong làng trong xã lại đến xin hái quả về đặt lên bàn thờ, thắp hương lấy may. Trẻ con trong làng đến chơi trò trốn tìm trong các hốc cây và hái thị ăn. Cả họ, cả làng ăn không hết, vợ chồng ông Thưởng đưa thị ra chợ bán. Năm cây thị được coi là báu vật của dòng họ và nhân chứng, máu thịt của làng, xã ven biển xứ Nghệ.

Cây cứu sống cả làng qua nạn đói

Theo lời kể của ông Thưởng và gia phả họ Lê thì hiện không xác định được ai là người trồng 5 cây thị. Trước đây, có trận đại hồng thuỷ từ biển Cửa Lò tràn qua vùng đất này, mọi cây cối bị cuốn chết và cát vùi lấp. Riêng những cây thị vẫn hiên ngang xanh tốt, đơm hoa kết trái.

Khoảng thế kỷ 14, tướng họ Lê là Lê Văn Hoan gốc xứ Thanh, phò vua đem quân từ ngoài Bắc vào đánh giặc Chiêm Thành. Trên đường đi dọc theo bờ biển, đến vùng đất Nghi Thịnh (ngày nay), thấy giữa mênh mông cát trắng lại có vườn cây thị xanh tốt, nhiều chim chóc đậu, hót, tướng Lê Văn Hoan liền hạ lệnh cho quân lính đến nghỉ chân dưới gốc cây thị. Thấy chim chóc ăn quả, ông cũng thử ăn, thấy ngọt, mà mỗi người chỉ ăn một quả đã no.

Nhìn thấy mấy gốc thị to mọc lên theo hình chòm sao bắc đẩu, tỏa bóng râm mát và trái xum xuê, ông biết đây là vùng đất lành. Sau khi đánh giặc trở về, ông liền đưa gia đình, quân lính vào đây lập làng Xuân Tình, sinh sống. Dòng họ Lê Văn từ đó thành chủ sở hữu 5 cây thị này. Những lần ra Bắc đánh giặc, tướng Lê Văn Hoan ghé về làng Xuân Tình chiêu mộ thêm binh sĩ, đánh thắng nhiều trận và được phong Nguyên soái Lê Quý Công. Ông đã cho lập một ngôi đền thờ ghi ơn 5 cây thị và căn dặn con cháu: “Năm cây thị từng là cột đàn voi chiến cho ta đánh giặc thắng trận trở về, cho nên con cháu họ Lê phải bảo tồn làm di tích sau này. Đứa nào chặt phá thì chém đầu”.

Tương truyền rằng, vào những năm 1788, đại quân hoàng đế Quang Trung từng cột đoàn voi chiến tại 5 cây thị tuyển quân và củng cố lực lượng. Sau lễ duyệt binh, hoàng đế Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà đập tan quân Thanh.

Trong nạn đói năm Ất Dậu 1945, riêng làng Xuân Tình không có ai chết đói, đó là nhờ vườn thị.

Ông
  Lê Minh Thưởng đứng bên gốc cây thị được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Ông Lê Minh Thưởng đứng bên gốc cây thị được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

“Ngày đó, bố tôi là Lê Văn Chung (là đảng viên năm 1931, bị Pháp bắt từ năm 1939) vừa được thả ra khỏi tù về nhà mở cửa vườn thị đang được mùa. Ông bảo mọi người quả xanh thì gọt chấm muối biển, quả chín thì bóp nục, mền cho ngọt rồi ăn. Nhờ vậy mà mọi người đều sống sót. Đến năm 1958, một người trong ban điều hành hợp tác xã Nghi Thịnh có ý đòi lấy khu vườn thị để sung vào đất tập thể. Mặc cho dòng họ Lê Văn phản đối. Một hôm, ông này hùng hổ xách dao đến trèo lên cây thị to nhất để chặt cành, nhưng vừa trèo lên cây thì bị ngã rơi xuống đất rồi chết. Từ đó, không ai dám bén mảng đến đây đòi tịch thu khu vườn nữa”, ông Thưởng kể.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Quân khu 4 đã đến đóng doanh trại cạnh 5 gốc cây thị. Ngày ngày, các chiến sĩ leo lên ngọt cao vút của cây thị để quan sát cả khu vực. Phía dưới gốc cây được đào hào để trú ẩn. Dưới những tán thị sum suê, bộ đội tập kết để chuyển quân và vũ khí vào Nam. Năm 1968, giặc Mỹ ném bom khiến doanh trại của Quân khu 4, nhà thờ họ Lê và 28 gia đình trong làng cháy hết, nhưng 5 cây thị vẫn đứng hiên ngang trong gió Lào. “Năm 1968, tôi lúc ấy lên 10 tuổi thường cùng các anh chị em chui vào hốc những cây thị này để tránh bom bi. Chính cây đã che chở đạn, bom cho chúng tôi và nhiều chiến sỹ cách mạng an toàn”, anh Trần Văn Thanh (trú xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết. Doanh trại của Quân khu 4 đóng bên cây thị với hệ thống tên lửa, pháo cao xạ cho đến năm 1974 mới chuyển đi.

Năm cây thị cổ đã được các nhà khoa học xác định có tuổi 670 năm và được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Ngày 16.3.2012, Gia tộc họ Lê cùng gia đình ông Thưởng đã tổ chức đón nhận và gắn biển cây Di sản văn hóa quốc gia cho 5 cây thị cổ do Hội Thiên nhiên và bảo vệ môi trường Việt Nam trao tặng. Ông Thưởng nói: “Trở thành cây di sản, tức là cây của Nhà nước thì việc quản lý, bảo vệ cây khó khăn hơn. Trước mắt, hàng ngày tôi sẽ chăm sóc và dọn vườn sạch sẽ, làm hướng dẫn viên cho du khách đến tham quan vườn thị. Sau này tôi không còn sức khoẻ thì sẽ bàn giao vườn thị lại cho con trai”.

Theo Thuỳ Liên

LĐO