Trung Quốc: Bia mộ người chết biết "kể chuyện cuộc đời" của người đã khuất
(Dân trí) - Thay vì chỉ ghi thông tin thường thấy như họ tên, ngày tháng năm sinh và thời điểm qua đời của người đã khuất, các tấm bia mộ trong khu nghĩa trang ở Trung Quốc được thổi hồn để "biết kể chuyện".
"Chuyện cuộc đời mỗi người khác nhau nên những tấm bia trên mộ người chết sẽ không giống nhau. Tôi muốn làm những tấm bia mộ biết kể chuyện.
Để khi có ai đó nhìn vào, họ sẽ thấy đây không phải chỉ là miếng đá khắc tên người đã khuất. Mỗi tấm bia sẽ thể hiện tính cách hoặc khái quát về cuộc đời họ", chị Zhou Yue, một nhà thiết kế bia mộ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tâm sự.
Zhou Yue cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hội họa, nhiều bạn bè đồng trang lứa của cô chọn con đường làm giáo viên, thì cô gái trẻ lại theo đuổi nghề thiết kế bia mộ.
Với Zhou Yue, mỗi khi thiết kế xong xuôi một tấm bia mộ cho người đã khuất, cô rất vui và cảm thấy mình đã thành công.
Nhà thiết kế trẻ cho rằng, mỗi tấm bia mộ là một tác phẩm nghệ thuật ghi lại nhiều kỷ niệm quý. Khi mới vào nghề, cô đi theo chuyên gia bia mộ Chen Chuang để học nghề.
"Việc thiết kế chia thành nhiều quy trình. Đầu tiên là tiếp khách. Bước hai, nhà thiết kế cần hiểu nhu cầu của khách hàng ra sao, sau đó mới phác họa thiết kế. Việc lắp đặt hoàn thành sẽ là lúc trồng cây cỏ xung quanh", Chen Chuang cho biết.
Vị chuyên gia cho rằng, điều quan trọng cần biết về con người và tính cách của người chết, mới thiết kế được tấm bia mộ phù hợp. Người đã khuất có thể là cảnh sát hoặc học giả, nên nhìn qua bia mộ sẽ biết được thân phận của họ.
Đến nay, Chen Chuang đã thiết kế hơn 1.000 tấm bia mộ "biết kể chuyện". Anh ấn tượng nhất là tấm bia dành cho một người từng làm phát thanh viên.
Trước khi người này qua đời, Chen Chuang có dịp tiếp xúc và được biết ông rất trân trọng những ngày làm nghề. Bởi vậy, nhà thiết kế đã tạo ra một tấm bia thể hiện quãng thời gian người chết từng làm phát thanh viên.
Khi được hỏi sau này muốn làm tấm bia mộ cho bản thân ra sao, Zhou Yue cho rằng cô thích thiết kế "một chiếc ghế băng và bên trên khắc mã QR".
"Khi ai đó tới nghĩa trang, họ đi bộ mỏi chân muốn tìm ghế ngồi, có thể quét mã QR. Sau đó, trên điện thoại của họ sẽ hiện lên nội dung câu chuyện tôi muốn kể, hoặc một bài ca tôi hát. Tôi muốn nhiều người lạ biết tới mình bởi bản thân là người năng động, thích giao lưu", Zhou Yue vui vẻ cho biết.
Không chỉ ở Trung Quốc, trên thế giới cũng tồn tại nghĩa trang với những tấm bia mộ độc đáo "biết kể chuyện đời" nằm tại thành phố Yekaterinburg, Nga.
Đây vốn là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều người nổi tiếng, từ nghệ sỹ, các nhà khoa học cho tới anh hùng trong Thế chiến thứ II.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, ẩn sau rặng thông của Shirokorechenskoe là một nơi rất đặc biệt - nghĩa trang dành riêng cho "giới anh chị" khét tiếng. Đó là nơi du khách vẫn thường gọi đùa là "nghĩa trang dành cho đầu gấu" ở Nga.
Nổi bật nhất ở nghĩa trang chính là những ngôi mộ được thiết kế các tấm bia lớn với kích thước như người thật. Trên các tấm bia có khắc họa chân dung của người đã khuất trong trang phục lịch sự, đeo những món đồ trang sức lớn hoặc đứng cạnh siêu xe đắt tiền. Một số tấm bia mộ có hình ảnh của những tay xã hội đen đứng cùng người thân hoặc bạn gái.
Ngoài chân dung và tên tuổi, một số tấm bia mộ còn khắc biệt danh của các "dân anh chị" cũng như mô tả khả năng sở trường của họ. Ở một số tấm bia, du khách có thể đọc thấy dòng chữ như "người này có cú đấm giết người" hay "người này là chuyên gia ném dao".
Ngày nay, nghĩa trang này còn là điểm đến hấp dẫn của các du khách trong và ngoài nước, lên tới hàng trăm nghìn lượt. Và đằng sau những tấm bia mộ hoành tráng là vô số câu chuyện đời đặc biệt mà có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu.