Trở lại mặt đất
Kết quả khảo sát vừa được Tổng cục Du lịch công bố với 94,9% người được hỏi khen du lịch Việt Nam “tốt” và “rất tốt”; 5,69% đánh giá “trung bình”; chỉ 0,22% nhận xét “kém” và “rất kém”... đã khiến dư luận hồ nghi.
Phải nói rằng khảo sát này khá phiến diện bởi chỉ được thực hiện trong 2 tháng 10 và 11-2014 đối với gần 14.000 người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) vào Việt Nam du lịch theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên tại 7 cửa khẩu quốc tế sau khi khách kết thúc chuyến đi. Với gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam mỗi năm trong khi số người được hỏi quá ít (tỉ lệ 0,14%) thì kết quả này rõ ràng chưa đáng tin cậy.
Chưa đáng tin cậy thì đừng nên công bố để người dân và bạn bè quốc tế khỏi hiểu sai lệch thực trạng du lịch Việt Nam; quan trọng hơn là để người trong ngành không bị ru ngủ, tự huyễn hoặc về mình.
Ở nước ta đã từng có những khảo sát lạc quan tếu. Mới nhất là khảo sát “Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam” do GFK và Báo Bưu điện Việt Nam thực hiện cho kết quả 92% người dùng “đồng ý tăng cước 3G”. Tỉ lệ lớn như vậy nhưng khi công bố kết quả thì... ai cũng phản đối!
Trước đó, Bộ Nội vụ cho biết qua phân loại, chỉ có 1% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức: “Trong bộ máy có tới 30% số công chức làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” (!)...
Từ đó, phải nói rằng nếu đem những kết quả khảo sát kiểu như vậy làm cơ sở cho những chuyện lớn hơn thì thật nguy bởi nó có thể dẫn đến hoạch định chính sách sai, đặt ra mục tiêu phát triển phi thực tế, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Sau sự kiện thăng hoa của danh thắng Sơn Đoòng, tiếp theo là kết quả khảo sát đầy “lạc quan” nói trên, ngành du lịch nên trở lại mặt đất. Hãy nhìn vào bộ mặt thực tế của du lịch Việt Nam để xác định chúng ta cần phải làm gì. Non sông gấm hoa, vùng miền nào cũng đầy thắng cảnh, đặc biệt là sở hữu rất nhiều di sản thế giới nhưng hàng chục năm nay, chúng ta mãi theo sau người Thái, người Singapore, người Malaysia về hiệu quả làm du lịch.
Chuyện “chặt chém”, tai nạn giao thông, cò mồi, nhũng nhiễu, trộm cướp, chèo kéo... đã biến du lịch Việt Nam vốn có tiềm năng dồi dào trở thành gã nhà giàu thiếu lịch sự. Mà tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn càng xa hơn nên khách quốc tế sang một lần rồi ít muốn trở lại. Bằng chứng là, cũng theo khảo sát nói trên, tỉ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam trong năm 2014 chiếm 32,98%, trong đó khách đến lần thứ hai chỉ 18,10%; khách đến lần thứ ba chỉ là 5,77% và tháng 4-2015 là tháng thứ 11 liên tiếp lượng du khách quốc tế đến nước ta sụt giảm.
Du lịch Việt Nam chưa tốt nhưng du khách quốc tế vẫn khen, ấy là vì họ khen xã giao, là bởi họ lịch sự. Để đón được nhiều vị khách lịch sự, trước hết người nhà phải lịch lãm!
Theo Quang Huy
Người lao động