Trải nghiệm văn hóa 7 dân tộc Tây Bắc trong Lễ hội Mùa vàng Bản Mây

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngày 17/8, Lễ hội Mùa vàng Bản Mây sẽ khai mạc tại Bản Mây Fansipan, mở ra không gian văn hóa sôi động, đầy sắc màu cho Sa Pa, tạo nên những trải nghiệm đặc biệt dịp Quốc khánh 2/9.

Lễ hội Mùa vàng Bản Mây tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend là sự kiện đặc biệt, tái hiện những nghi lễ và sinh hoạt truyền thống của các dân tộc tại Lào Cai trong mùa vàng bội thu. Theo đó, Bản Mây nhỏ xinh ẩn mình dưới chân núi Fansipan tại khu vực Ga đi cáp treo sẽ trở thành nơi chung vui của dân tộc H'Mông Sa Pa, H'Mông Điện Biên, Xa Phó, Tày, Giáy, Dao Đỏ, Thái và Hà Nhì, mang tới những trải nghiệm văn hóa mùa vàng độc đáo.

Trải nghiệm văn hóa 7 dân tộc Tây Bắc trong Lễ hội Mùa vàng Bản Mây - 1

Lễ hội "Mùa vàng Bản Mây" khai mạc ngày 17/8.

Mỗi tuần một lễ hội độc đáo

Cho đến hết 1/9, Bản Mây sẽ ngập tràn sắc vàng no đủ của lúa chín, đẹp mắt với rơm rạ, ngô lúa tỏa hương. Vào mỗi cuối tuần, một lễ hội đặc sắc của các dân tộc sinh sống tại đây sẽ được tổ chức.

Trải nghiệm văn hóa 7 dân tộc Tây Bắc trong Lễ hội Mùa vàng Bản Mây - 2

Bản Mây mùa vàng ngập tràn lúa chín, rơm rạ, ngô lúa tỏa hương.

Cụ thể, ngày 17/8 và 18/8, "Mùa vàng Bản Mây" khai mạc với Lễ hội Khô Già Già, lễ hội cầu mùa lớn nhất và lâu đời nhất của người Hà Nhì Đen. Tổ chức trước mùa thu hoạch, lễ hội này cầu mong thần linh ban phước cho một vụ mùa bội thu. Đây là cơ hội để du khách chứng kiến nghi lễ trang trọng do người Hà Nhì Đen thực hiện.

Vào cuối tuần, ngày 24 - 25/8, Lễ hội Then Kin Pang sẽ tiếp nối Mùa vàng Bản Mây. Theo người Thái, "then" có nghĩa là "tiên" hoặc "người trời", "kin" là ăn mừng, "pang" chỉ lễ hội hoặc người dự lễ. Then Kin Pang là nghi lễ cúng mừng con nuôi, do thầy Then thực hiện để cầu nguyện thời tiết thuận lợi và cuộc sống ấm no. Du khách sẽ ấn tượng mạnh với nghi lễ tâm linh diễn xướng, kết hợp giữa âm nhạc, múa và diễn xuất, sử dụng các nhạc cụ truyền thống như đàn tính, trống, chiêng và chũm chọe.

Nếu như Khô Già Già và Then Kin Pang được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thì Lễ hội Cơm mới mang ý nghĩa đặc biệt với các dân tộc thiểu số tại bản Mây. Trong hai ngày là 31/8 và 1/9, du khách sẽ được trải nghiệm "Tết sớm". Dân bản ra đồng từ sáng sớm, rước linh hồn lúa mới về nhà, mang về thành quả lao động và lễ vật, dâng lên các vị thần thánh và tổ tiên dịp Tết cơm mới.

Trải nghiệm văn hóa 7 dân tộc Tây Bắc trong Lễ hội Mùa vàng Bản Mây - 3

Không khí bản làng nhộn nhịp và sôi động với các trò chơi dân gian.

Trong suốt một tháng, mọi ngõ ngách bản làng sẽ tràn ngập các hoạt động thú vị như giã bánh dày, làm cốm, thổi xôi ngũ sắc… Du khách cũng có thể tham gia các trò chơi dân gian như đẩy gậy, cầu một dây và đu quay để thấu hiểu vì sao người dân nơi đây yêu bản làng của mình đến thế.

Nối dài những trải nghiệm văn hóa thú vị tại Fansipan

Bên cạnh đó, chỉ cần đi bộ 5 phút từ bản Mây, du khách đã đến ga cáp treo Fansipan và tiếp tục hành trình khám phá nóc nhà Đông Dương.

Trải nghiệm văn hóa 7 dân tộc Tây Bắc trong Lễ hội Mùa vàng Bản Mây - 4

Mùa thu là thời điểm đẹp nhất nhì trong năm tại Sa Pa.

Du khách sẽ có những trải nghiệm ấn tượng khi chiêm ngưỡng khung cảnh nhìn từ cáp treo Fansipan xuống kiệt tác ruộng bậc thang mùa lúa chín trải dài đến tận chân trời.

Trải nghiệm văn hóa 7 dân tộc Tây Bắc trong Lễ hội Mùa vàng Bản Mây - 5

Biển mây trên đỉnh nóc nhà Đông Dương.

Đường lên đỉnh Fansipan mùa này ngập tràn sắc cam đỏ rực rỡ của dơn thóc, cùng những điệu múa khèn hoa và nhịp trống Dao của Lễ hội hoa dơn thóc 2024. Nếu may mắn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng biển mây trắng đầy mê hoặc ở độ cao 3.142m. Đến Fansipan dịp lễ 2/9, du khách không nên bỏ lỡ lễ thượng cờ tại kỳ đài cao nhất Tổ quốc, làm dâng lên niềm tự hào trong lòng người Việt.

Trải nghiệm văn hóa 7 dân tộc Tây Bắc trong Lễ hội Mùa vàng Bản Mây - 6

Ẩm thực tối tại bản Mây là trải nghiệm được du khách mong đợi.

Sau khi thỏa sức khám phá, du khách nên trở lại bản Mây vào buổi tối để tận hưởng ẩm thực với chi phí hợp lý, chỉ từ 250.000 đồng cho trẻ em và 300.000 đồng cho người lớn. Thưởng thức các món ăn đặc sản thơm ngon mùa lúa chín, do chính tay đồng bào dân tộc chế biến trong tiết trời thu se lạnh không thể nào thuần chất Sa Pa hơn.

Lễ hội "Mùa vàng Bản Mây" không chỉ là dịp để người dân địa phương tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là cơ hội để du khách khám phá và hiểu thêm về đời sống, phong tục tập quán, và ẩm thực của các dân tộc thiểu số vùng cao. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời trong tháng 8, nhất là vào kỳ nghỉ lễ 2/9, mang lại những ấn tượng sâu sắc về một vùng đất Sa Pa giàu bản sắc văn hóa và thiên nhiên hùng vĩ.