Thượng Lâm - Huyền thoại miền gái đẹp… (Kỳ 1)
“Mận Hồng Thái/Gái Thượng Lâm”, men theo câu nói của người già kể lại, từ thị trấn Na Hang, chúng tôi ngược lên mạn Bắc ba mươi cây số đường đồi núi để về miền gái đẹp đã được thêu dệt bao đời nay.
Na Hang theo tiếng Tày là “ruộng cuối”, Thượng Lâm lại gần như là mảnh đất cuối của Na Hang. Huyền thoại kể lại rằng đó là vùng đất bốn mùa cây cỏ xanh tốt, thiên nhiên mát mẻ, ruộng nương trù phú và cũng chính vì vậy, con gái xứ này mang một vẻ đẹp đến nao lòng…
Xe vượt qua núi Ái Cao, vượt đèo Ái Au với những cua đường gấp khúc tơ vò rối ruột. Mỗi con đèo, mỗi ngọn núi của hành trình ba mươi cây số về Thượng Lâm đều gắn với mỗi truyền thuyết mỗi huyền thoại về những người con gái nơi này. Câu chuyện nào cũng buồn. Câu chuyện nào cũng nhiều nước mắt vậy nên như lời người già bảo: “Đoạn sông Gâm từ Thượng Lâm về huyện lị Na Hang mới đặc biệt xanh trong như vậy. Xanh như màu mắt người con gái Thượng Lâm, trong như nước mắt của họ đã rơi xuống cho những cuộc tình buồn từ hàng trăm năm về trước”.
Đêm bên bếp lửa nhà sàn, ăn thịt trâu gác bếp cùng uống rượu ngô. Hôm nay nhà ông Ma Văn Mơ vui lắm. Vui vì chả mấy khi có khách ở dưới xuôi lên. Nhớ lúc chiều, Chủ tịch xã Thượng Lâm Chẩu Viết Dinh bảo tôi, ở cái đất Thượng Lâm, truyền thuyết huyền thoại về đất và người nên hỏi ông Ma Văn Mơ, ông Mơ được coi như một cây sử sống của làng bản. Ông Ma Văn Mơ năm nay đã ngoài tám mươi nhưng vẫn còn minh mẫn. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ông Mơ đã mười năm làm Chủ tịch xã, rồi mười hai năm làm Bí thư đảng ủy… Người ta coi ông như trưởng bản, như cây đại thụ của núi rừng Thượng Lâm.
Thiên nhiên vùng cao như một bức tranh tuyệt đẹp
“Từ lâu lắm rồi, cái thuở khai thiên lập địa ấy, nhà vua dẹp trừ giặc ngoại xâm xong mới thấy rằng phải tìm một nơi địa thế hiểm yếu mới có thể giữ yên được bờ cõi. Đêm nhà vua được thần hiện xuống báo mộng nơi ấy phải là thành trì thiên tạo. Thần cũng nói, đó phải là nơi có một trăm đỉnh núi cao. Hôm sau vua cho người đi khắp ngả tìm nơi như thần nói. Đến vùng đất Thượng Lâm, người ta đi chín ngày, ngủ ở rừng chín đêm và tìm ra một quần thể núi non rồng chầu hổ phục. Từng dãy núi trùng điệp như một hàng rào khổng lồ bao quanh thung lũng Thượng Lâm, phía trong mây lành bao phủ hương thơm tỏa ra ngào ngạt.
Vua lập đàn báo cho Trời đất biết mình đã tìm được chỗ ưng ý. Tự nhiên lúc ấy giông gió kéo đến ầm ầm, mưa suốt ba ngày ba đêm. Lúc trời quang mây tạnh, dân làng thấy một đàn chim phương hoàng bay rợp trời đất. Mỗi con đậu trên một đỉnh núi nhưng khi chín chín con chim phượng hoàng đã tìm được chỗ đậu thì một con vẫn bay lơ lửng. Không tìm ra ngọn núi một trăm, đàn chim lại bay mất lặn vào trời xanh từ đấy không bao giờ xuất hiện nữa. Thượng Lâm cũng không trở thành được đất đế đô nhưng không hiểu sao, sau sự kiện ấy thì con gái xứ này đẹp đến lạ lùng. Truyền thuyết đã nhiều trăm năm qua kể lại như vậy…”.
Trong bếp lửa nhà sàn, câu chuyện của ông Mơ dẫn tôi đi hết huyền thoại này đến truyền thuyết khác đầy hư thực. Ông Ma Văn Mơ có hai người con trai, hai người con gái. Và thật hữu duyên, tất cả các cháu nội ngoại của ông đều là… nữ. Ai cũng xinh xắn và dịu dàng. Em Ngô Thị Hương, người đẹp thành Tuyên năm 2007 cũng là cháu ngoại của ông Mơ.
Ngồi nói chuyện Hương bảo: “Chẳng qua em đi thi người đẹp thành Tuyên là đọc được thông tin trên báo, em đi cho vui, bố mẹ bạn bè mãi sau này mới biết”. Hương cũng quả quyết, nếu con gái Thượng Lâm biết thông tin và “chịu” đi thi, chắc chắn sẽ còn có nhiều giải cao nữa.
Theo VTV