Thực hư về câu chuyện những cây cọ "biết đi"
(Dân trí) - Loài cọ đặc biệt sinh trưởng trong cánh rừng ở khu vực Trung và Nam Mỹ có những chiếc rễ dài vươn ra khỏi gốc. Có những lời đồn thổi xung quanh việc chúng có khả năng di chuyển.
Tên khoa học của loài cọ này là “Socratea exorrhiza”. Chúng còn có biệt danh khác “Walking Palm” (cây cọ biết đi). Loài cọ này xuất hiện nhiều tại những khu rừng nhiệt đới thuộc khu vực Trung và Nam Mỹ.
Tên kỳ lạ này xuất phát từ bộ rễ quái lạ như cà kheo của cây. Các nhà khoa học chưa lý giải được tại sao chúng mang bộ rễ phát triển mạnh đến thế. Một số rễ nổi lên trên mặt đất và bám chặt vào phần đất xung quanh trông giống như nhiều chân. Chính từ điều này đã xuất hiện những lời đồn thổi cây cọ có thể di chuyển được nhờ bộ rễ đặc biệt. Tuy nhiên, chưa ai chứng minh được điều này.
Các hướng dẫn viên thường kể lại với khách du lịch khi tham quan rừng rậm về câu chuyện cây cọ “biết đi”. Bộ rễ của cây hướng ra nơi nhiều ánh sáng mặt trời. Khi dịch chuyển đến đúng đích, các rễ già sẽ chết đi thay thế bằng những cái rễ mới. Quá trình dịch chuyển có thể kéo dài tới vài năm. Như thế, tính trung bình, mỗi ngày cây cọ sẽ “đi” được từ 2-3 cm.
Vào năm 1980, John H. Bodley là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về cây cọ “đi bộ”. Ông cho rằng, cây cọ có khả năng dịch chuyển từ điểm nảy mầm sang chỗ mới. Bằng cách này, chúng sẽ tránh được vật cản khiến cây không thể trưởng thành.
Tuy nhiên, theo Gerardo Avalos, nhà sinh vật học đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững ở Atenas, Costa Rica – một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về loài cọ, cho biết, ông đã xuất bản nghiên cứu chi tiết về bộ rễ cây vào năm 2005. Theo quan sát của ông, cây không thể đi bộ vì rễ không di chuyển. Một vài cái rễ có thể chết đi nhưng thân chính của cây vẫn nằm yên tại chỗ.
Cũng theo các nhà khoa học, việc các hướng dẫn viên kể cho khách du lịch câu chuyện cây cọ biết di chuyển chỉ là huyền thoại, hay một cách nói vui.
Việt Hà
Theo AP