Thót tim xem cảnh "người nhện" dọn rác trên những vách đá dựng thẳng đứng
(Dân trí) - Bất chấp nguy hiểm, đội ngũ dọn rác thải hàng ngày phải treo mình trên những vách đá dựng thẳng đứng để quét dọn số rác do khách du lịch vứt lại.
Suốt ngày lơ lửng trên những sợi dây đu đưa bên vách đá gần như dựng thẳng đứng để nhặt rác - đó là công việc hàng ngày của Yang Feiyue, một công nhân vệ sinh 48 tuổi.
Anh hiện là thành viên trong đội dọn dẹp rác thải tại khu danh thắng núi Thiên Môn, Trương Gia Giới, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Vùng núi hiểm trở này vốn nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vỹ, nhưng bị ảnh hưởng nặng bởi rác thải và một số chất thải do khách du lịch để lại. Để bảo vệ môi trường xung quanh, đội dọn vệ sinh của anh Yang được thành lập năm 2010, với nhiệm vụ làm sạch mọi thứ.
"Người ta thường hỏi tôi có sợ không khi suốt ngày đu đưa lơ lửng trên cao. Nhưng tôi nói là không, vì đã quen việc rồi", anh Yang trải lòng.
Truyền thông địa phương gọi anh Yang cũng như đội dọn vệ sinh của anh là "những người nhện" bên vách đá nhờ khả năng di chuyển thành thạo trên bề mặt thẳng đứng như các siêu anh hùng trong hư cấu.
Thật vậy, mỗi ngày đều đặn, Yang lại leo lên leo xuống, treo mình bên vách đá lởm chởm, còn phía dưới là vực sâu. Phía trên, đồng nghiệp của Yang giữ chặt dây thừng gắn móc vào đá. Cứ thế, Yang kiên nhẫn nhặt từng mẩu rác bị du khách ném lại. Xong phần việc của mình, anh được kéo lên qua hệ thống kéo.
Sau mỗi lần nhặt nhạnh như thế, túi xách bên mình Yang lại chứa đầy chai nước, bao bì, khăn giấy và vô số rác thải nhựa không tên.
"Mỗi khi trời mưa, chúng tôi lại nhặt rất nhiều áo mưa dùng một lần. Và kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra đến nay, thì số rác thải còn có thêm cả khẩu trang bị bỏ lại", Yang nói.
Danh thắng núi Thiên Môn thu hút khoảng 4,7 triệu khách vào năm 2019. Lượng khách đông đồng nghĩa với số rác thải có thể nằm rải rác ở khắp nơi.
Chỉ trong riêng năm 2020, nhóm của Yang đã thu được khoảng 2 tấn rác thải. Mặc dù thực tế, đại dịch bùng phát khiến điểm du lịch này từng phải đóng cửa trong nhiều tháng, khiến lượng khách sụt giảm đáng kể.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi công việc nặng nhọc này lại tốn nhiều sức tới vậy. "Hồi đầu khi mới làm, tay tôi mỏi nhừ sau một ngày nhặt nhạnh, thậm chí không thể cầm nổi đũa. Nhưng 10 năm rồi, khi đã quen mọi thứ cũng đỡ hơn rất nhiều", "người nhện" 48 tuổi cười.
Bản thân Yang cũng rất thích danh xưng "người nhện" được báo chí đặt cho. Nhưng anh cho biết, động cơ thực sự muốn gắn bó với nghề xuất phát từ tình yêu thiên nhiên và muốn bảo tồn vẻ đẹp đó.
"Chính điều này khiến tôi cũng như các đồng nghiệp khác không quản ngại công việc mỗi ngày", anh nói thêm.