Thót tim xem cảnh dùng tay không tung hứng dao nhọn lên cao

Việt Hà

(Dân trí) - Trước kia, người dân tộc Thổ Gia thay dùi trống bằng dao nhọn để tung hứng kiếm sống. Nhiều người bị thương nặng khi luyện tập bộ môn nguy hiểm này.

Thót tim xem màn cảnh dùng tay không tung hứng dao nhọn lên cao

"Tam bổng cổ" vốn là môn nghệ thuật truyền thống của tộc Thổ Gia ở Trung Quốc. Vùng núi Vũ Lăng ở thành phố Trùng Khánh nước này hiện vẫn còn lưu giữ bộ môn này.

"Tam bổng cổ" có nguồn gốc từ thời nhà Đường (618-907 Trước công nguyên). Xưa kia, khi nạn đói hoành hành, nhiều người phải mãi nghệ kiếm sống.

Thót tim xem cảnh dùng tay không tung hứng dao nhọn lên cao - 1
Nghệ thuật vừa gõ trống vừa tung hứng xuất hiện từ thời nhà Đường của những người hành nghề mãi nghệ

"Tam bổng cổ" có nghĩa là người biểu diễn sẽ treo một chiếc trống trên cổ, tung hứng 3 chiếc dùi trống lên cao rồi đánh trống chỉ bằng 2 dùi. Sau này, để thu hút thêm người xem và tăng thêm phần kịch tính của màn biểu diễn, họ thay dùi trống bằng những con dao sắc nhọn để bắt đầu màn tung hứng.

Dần dần bộ môn nghệ thuật này bắt đầu phổ biến ở thành phố Trùng Khánh, rồi lan tới tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc ngày nay. Sau đó, nó còn được du nhập sang khu vực Trung Âu và Đông Nam Á.

Thót tim xem cảnh dùng tay không tung hứng dao nhọn lên cao - 2
Ông Phù vừa bịt mắt vừa luyện tung hứng với dao phay

Ông Phù Hưng Binh, 50 tuổi, người Thổ Gia là thế hệ kế thừa thứ 5 trong gia đình gắn bó với bộ môn cổ này. Những ngày đầu thơ bé, ông đã bắt đầu tiếp xúc với dao găm rồi dần luyện tập.

"Khi còn nhỏ, cha mẹ thường buộc những phong bao đỏ đựng tiền trên xà của mái nhà. Muốn lấy xuống, chúng tôi phải học cách ném trúng dao găm vào dây thừng. Khi lên núi đốn củi, tôi sẽ dùng những que củi để luyện cho tay thuần thục", ông Phù nhớ lại.

Trong quá trình luyện tập, những đạo cụ được sử dụng hầu hết là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ có dao găm mà còn có dao phay hay dao chặt thịt...

Thót tim xem cảnh dùng tay không tung hứng dao nhọn lên cao - 3
Một trong những màn biểu diễn của ông Phù

Khi ông Phù còn nhỏ, vào những ngày mùa đông mùa màng thất bát, ông thường theo cha đi biểu diễn ở khu phố sầm uất. Tình yêu với bộ môn này dần hình thành từ đó.

"Khi bắt đầu thử với dao găm, càng sợ, bạn càng dễ bị thương. Tôi còn luyện với cả lưỡi liềm, dao rựa hay dao làm bếp", ông Phù nói.

Với bất cứ ai khi luyện tập bộ môn nguy hiểm này đều có thể bị thương nặng ở tay. Nhưng được cha cổ vũ, ông Phù kiên trì luyện tập rồi trở thành nghệ sỹ biểu diễn từ năm 18 tuổi.

Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các bậc thầy của thế hệ trước đều qua đời, chỉ còn 4 người trên khắp Trung Quốc có kỹ năng thành thạo về "Tam bổng cổ", nên ông Phù quyết tâm truyền nghề để không bị mai một bọ một nghệ thuật dân gian này.

Thót tim xem cảnh dùng tay không tung hứng dao nhọn lên cao - 4
Luyện tập với nhiều loại dao khác nhau

"Đây là môn đòi hỏi sự linh hoạt dẻo dai của đôi tay. Lúc nào tôi cũng mang dao bên mình để tập khi rảnh rỗi. Chỉ cần 3 ngày bỏ bê không tập là kỹ thuật sẽ bị thụt lùi. Sau cùng, càng luyện, bạn sẽ càng thấy mê nó".

Lòng dũng cảm, sự tập trung, tính kiên định là những đức tính mà ông Phù học được từ "Tam bổng Cổ". Ông hiện đang dành nhiều tâm huyết đào tạo cho những thế hệ sau với mong ước được truyền nghề và gìn giữ nghệ thuật cổ.