Thợ lặn nghiệp dư phát hiện thanh kiếm 900 năm tuổi

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Một thợ lặn nghiệp dư đã phát hiện thanh kiếm thời Trung cổ ngoài khơi bờ biển Israel hôm 16/10.

Thanh kiếm 900 năm tuổi được cho là của một hiệp sĩ trong Thập tự chinh đã được tìm thấy bởi thợ lặn Shlomi Katzin ở ngoài khơi bờ biển Israel hôm 16/10.

Lưỡi kiếm dài 130 cm và còn nguyên vẹn. Thợ lặn Katzin đã giao cổ vật này cho cơ quan quản lý cổ vật Israel. Thanh kiếm sẽ được phục hồi trước khi mang trưng bày.

Thợ lặn nghiệp dư phát hiện thanh kiếm 900 năm tuổi - 1

Kobi Sharvit, giám đốc đơn vị khảo cổ học cầm trên tay thanh kiếm 900 tuổi. 

Nir Distelfeld, thanh tra của cục phòng chống trộm cắp cổ vật thuộc cơ quan cổ vật Israel cho biết thanh kiếm làm bằng sắt có tuổi đời khoảng 900 năm. "Thanh kiếm vẫn ở trong tình trạng hoàn hảo. Đó là một thanh kiếm đẹp, hiếm và rõ ràng thuộc về một hiệp sĩ thập tự chinh".

Thợ lặn nghiệp dư phát hiện kiếm 900 năm tuổi

"Thật thú vị khi tìm được một vật thể cá nhân như vậy, nó như đưa bạn quay ngược thời gian 900 năm về một thời đại khác, với những hiệp sĩ, áo giáp và kiếm".

Cũng trong chuyến lặn biển đó, thợ lặn Katzin đã phát hiện ra một số đồ tạo tác cổ đại khác bao gồm mỏ neo bằng đá và các mảnh gốm sứ. Việc cát dịch chuyển dưới đáy biển theo đúng nghĩa đen - đã để lộ ra các vật thể cổ đại, các chuyên gia lý giải.

Các cuộc Thập tự chinh là một chuỗi các cuộc chiến giữa những người theo đạo Thiên chúa và người Hồi giáo bắt đầu từ năm 1096 và kéo dài hàng thế kỷ khi cả hai bên đều cố gắng chiếm lấy các thánh địa ở Trung Đông.

Kobi Sharvit, giám đốc đơn vị khảo cổ học của chính quyền địa phương cho biết: "Bờ biển Carmel có nhiều vịnh nhỏ tự nhiên đã cung cấp nơi trú ẩn cho các con tàu từ thời cổ xưa. Việc những người bơi lội và thợ lặn khám phá ra những hiện vật cổ xưa là một hiện tượng ngày càng tăng trong những năm gần đây".

"Ngay cả cơn bão nhỏ nhất cũng khiến cát di chuyển và làm lộ ra một số các khu vực dưới đáy biển đồng thời chôn vùi những thứ khác. Chúng tôi luôn cố gắng lấy được càng nhiều dữ liệu khảo cổ học càng tốt".