“Thị trấn ma” bất ngờ nổi lên sau gần 30 năm ngập chìm trong nước
(Dân trí) - Sau hơn 1/4 thế kỷ chìm trong biển nước, thị trấn nhỏ ở Argentina bỗng nổi lên với hình ảnh hoang tàn, ma mị. Trước đây, nơi này từng là khu nghỉ mát sầm uất, thu hút đông đảo du khách.
Nằm trên bờ phía đông của hồ nước mặn Epecuén, cách thủ đô Buenos Aires (Argentina) chừng 300 dặm, là tàn tích của thị trấn Villa Epecuén. Nơi đây từng là khu nghỉ mát sôi động với hơn 1500 dân cư.
Vào thời kỳ hoàng kim, Villa Epecuén thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch tới nghỉ dưỡng mỗi mùa. Họ tới tắm ở hồ nước mặn cách đó không xa. Hàm lượng muối trong hồ rất cao, giúp những người không biết bơi vẫn có thể nổi trên mặt nước không khác gì biển Chết ở Israel.
“Cơn ác mộng” ập xuống thị trấn vào ngày 6/11/1985. Sau trận đại hồng thủy kéo dài liên tục trong nhiều ngày kèm theo tâm lý không được dự báo trước đó, một cơn sóng lớn đã phá vỡ con đập gần đó. Khối nước khổng lồ nhanh chóng làm vỡ đê khiến Villa Epecuén chìm trong biển nước.
Người dân trong thị trấn vội vã sơ tán. Hầu hết không ai trong số họ quay trở lại quê hương nữa. Mực nước ở đây tiếp tục tăng lên nhanh chóng, đạt mức cao nhất trong năm 1993. Nước mặn chìm ngập khắp nơi, ăn mòn các tòa nhà, làm chết cây cối. Từ một nơi nghỉ dưỡng sầm uất, Villa Epecuén bị lãng quên và trở thành thị trấn ma.
Sau gần 30 năm biến mất, cuối cùng Villa Epecuén nhô lên khỏi mặt nước, lộ diện khung cảnh tiêu điều hoang tàn. Mọi thứ gần như bị hủy hoại hoàn toàn. Khi nước rút đi, một số cư dân trước đây đã quay trở lại quê hương sau gần 30 năm vắng bóng. Ông Pablo Novak, 85 tuổi, là cư dân duy nhất quyết định vẫn gắn bó với mảnh đất từng là nơi chôn nhau cắt rốn.
Hiện tại, “thị trấn ma” vẫn chưa được xây dựng lại. Tuy nhiên, nơi đây vẫn thu hút một số lượng khách du lịch nhất định tới tham quan vùng đất chết. Số còn lại là cư dân cũ đôi khi quay lại thăm quê và các nhiếp ảnh gia tới tác nghiệp. Bên cạnh một số công trình đổ nát, người ta dựng tấm biển là hình ảnh cũ để du khách dễ dàng so sánh sự khác biệt thay đổi giữa xưa và nay.
Việt Hà
Theo AP, BI