Tăng giá vé thăm vịnh Hạ Long: Khách nội địa giảm, thu ngân sách tăng vọt

Sau gần 2 tháng tăng giá vé thăm vịnh Hạ Long (từ 1.1.2014) lên gấp đôi so với giá cũ, theo ghi nhận của chúng tôi, lượng khách trong nước – nhất là khách bình dân – đến thăm vịnh giảm sâu rõ rệt.

Tuy nhiên, lượng khách nước ngoài vẫn đều đặn, nhưng chủ yếu là khách đặt tour từ năm ngoái. Gánh nặng bị đẩy không chỉ về phía các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ di lịch, mà còn cả những khách du lịch bình dân...

Thường vào dịp sau Tết Nguyên đán, lượng khách trong nước đi thăm vịnh Hạ Long rất đông, kết hợp với thăm Yên Tử, đền Cửa Ông... Tuy nhiên, những ngày này, tại cảng tàu du lịch Bãi Cháy, thỉnh thoảng mới có tốp khách trong nước, trong khi khách về Yên Tử còn đông hơn mọi năm.

Tăng giá vé thăm vịnh Hạ Long: Khách nội địa giảm, thu ngân sách tăng vọt
Với mức tăng giá mạnh này, thu ngân sách từ bán vé tham quan vịnh Hạ Long từ đầu năm đến nay tăng vọt, đạt gần 32,5 tỉ đồng trong tháng 1 - tăng 197% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, tháng 1.2014, vịnh Hạ Long đón 21.111 lượt khách trong nước và 154.740 lượt khách quốc tế - giảm gần 20% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sáng 15.2, dù là ngày cuối tuần, nhưng khách Việt cũng rất ít. Không còn cảnh chen lấn mua vé, xếp hàng xuống tàu tại cảng tàu Bãi Cháy như thời điểm du xuân của những năm trước.

Khu vực bến tàu tại các hang Đầu Gỗ, Thiên Cung thời điểm này cũng không còn cảnh nườm nượp tàu và khách. Thống kê cho thấy, thời điểm này mọi năm, mỗi ngày có khoảng 200 lượt tàu cập bến. Nhưng từ tết đến giờ, số lượng giảm một nửa.

Dẫu theo một quan chức địa phương, chưa thể nói lượng khách trong nước đi thăm vịnh Hạ Long sau tết giảm mạnh do giá vé tăng và phải đợi tới hè mới biết chính xác nguyên nhân, nhưng với những người trực tiếp làm du lịch trên vịnh, việc lượng khách giảm bất thường phần lớn xuất phát từ nguyên nhân đó.

Phần lớn khách thăm vịnh dịp này là người nước ngoài.

Mức giá vé hiện tại như sau: 120.000 đồng/người/lượt xuống vịnh và đi hang nào mua vé hang đó (50.000 đồng/người/lượt), trong khi đó giá vé trọn gói trước đây là từ 80.000 – 90.000 đồng/người/lượt.

Với mức tăng giá mạnh này, thu ngân sách từ bán vé tham quan vịnh Hạ Long từ đầu năm đến nay tăng vọt, đạt gần 32,5 tỉ đồng trong tháng 1 - tăng 197% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên lý thuyết, nếu lượng khách giảm một nửa so với năm ngoái thì thu ngân sách vẫn tăng.

Tuy nhiên, các chủ tàu - nhất là các chủ tàu “tiếng” (phục vụ theo tiếng) và các dịch vụ ăn theo trên bờ như ngồi trên lửa, bởi lượng khách trong nước giảm mạnh. Anh T.V.M – một chủ tàu “tiếng” – tiếc hùi hụi: “Tôi vừa nhận đón một đoàn 70 khách trong nước. Họ hí hửng muốn xuống thăm vịnh, nhưng nghe mức giá vé mới họ thôi không đi nữa, bởi riêng tiền xuống vịnh và đi thăm một hang của 70 người đã là gần 12 triệu. Trong khi đó, trước thời điểm 1.1.2014, thì chỉ vào khoảng 5-6 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuê tàu...”.

Cũng theo chủ tàu này, vì giá vé tăng quá cao nên từ đầu năm tới giờ, khách đi theo đoàn đông giảm đáng kể, dẫn tới đội tàu được đầu tư tiền tỉ của anh không thể hoạt động hết công suất.

“Khách nào đến Hạ Long cũng thường đi thăm vịnh, nhưng do giá tăng quá cao nên số lượng khách tháng này giảm mạnh. Vì thế, các dịch vụ trên bờ cũng gặp khó khăn. Trước đây, đoàn đông thì mỗi người chỉ cần bỏ ra khoảng 120.000-150.000 đồng là có một tour du lịch trọn gói trên vịnh, gồm cả tiền thuê tàu. Giờ giá cao ít nhất gấp đôi, khách quốc tế và những người có điều kiện thì không sao, nhưng với khách bình dân dù có cố thì cũng “một đi không trở lại” - chủ một khách sạn bình dân ở TP.Hạ Long cho hay.

Hiện tượng khách bỏ hang một phần do tăng vé cũng diễn ra khá phổ biến. Trước đây, mức giá trọn gói cho tuyến 1, trong đó có thăm hang Thiên Cung, Đầu Gỗ là 80.000 đồng/du khách. Nay, do đi hang nào mua tiền vé hang đó, với mức 50.000 đồng/người/lượt, nên phần lớn du khách chỉ chọn đi một hang. Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, từ tháng 1.2014 đến nay, hang Đầu Gỗ mới đón khoảng 1.000 lượt khách, trong khi đó hang Thiên Cung kế bên đón hơn 76.000 lượt khách; hang Sửng Sốt đón 53.117 lượt khách...

Đành rằng, việc tăng giá vé thăm vịnh Hạ Long là cần thiết để chi trả cho bộ máy quản lý và duy tu, bảo vệ... di sản thiên nhiên thế giới, nhưng với tình hình hiện nay, có thể dẫn tới nguy cơ mất một lượng khách lớn trong nước. Một thị trường du lịch phát triển bền vững là thị trường mà ở đó cả Nhà nước và dân doanh đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, với mức tăng giá vé hiện nay, những người được giao chỉ tiêu thu ngân sách có thể yên tâm, nhưng với những người làm dịch vụ du lịch cả trên bờ và dưới vịnh đều lo ngay ngáy.

Tăng gần gấp ba, chứ không phải gấp đôi

Theo một hướng dẫn viên du lịch, với mức hiện nay thì giá tăng gần gấp ba chứ không phải gấp đôi. Trước 1.1.2014, giá vé từ 80.000-90.000 đồng/người/lượt, tùy tuyến. Hiện 120.000 đồng là giá xuống vịnh, nếu muốn đi thăm 2 động trong một tuyến như trước đây, du khách phải trả tổng cộng 220.000 đồng/người/lượt (chưa tính tiền thuê tàu). Giá vé mới có thể không ảnh hưởng nhiều tới khách quốc tế, nhưng với đại đa số khách nội địa, việc tăng giá vé sẽ buộc họ phải tính toán lựa chọn điểm du lịch cho vừa túi tiền.

Từ ngày 1.1.2014, giá vé lưu trú trên vịnh Hạ Long cũng tăng:320.000 đồng/khách/đêm, 470.000 đồng/khách/2 đêm, 520.000 đồng/khách/3 đêm. Trẻ em từ 7 đến 15 tuổi; người già từ 70 tuổi trở lên, người nghèo, người khuyết tật sẽ được miễn-giảm 50% phí tham quan. Đối với người có công với cách mạng, trẻ em dưới 7 tuổi sẽ được miễn phí vé tham quan.

Lý do tăng giá là vịnh Hạ Long đã trở thành kỳ quan thiên nhiên của thế giới, nhưng giá vé tham quan vẫn ở mức thấp khi tham chiếu với giá ở các danh lam thắng cảnh được xếp hạng di sản thế giới trong khu vực. Đồng thời, việc tăng giá cũng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tăng cường quản lý, bảo tồn di sản.

Theo Nguyễn Hùng

LĐO