Tại sao "miếng thịt kho tàu" lại được xem là báu vật?
(Dân trí) - "Miếng thịt kho tàu" nhìn rất hấp dẫn vốn là bảo vật của nơi này trong suốt 200 năm qua, được tạc từ thời phong kiến Trung Quốc triều đại nhà Thanh, trông sinh động như thật.
Tại bảo tàng Cố Cung Đài Bắc ở Đài Loan (Trung Quốc) là nơi lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ. Bảo tàng được xây dựng năm 1965, hiện trưng bày hơn 696.000 hiện vật của 10.000 năm lịch sử Trung Hoa từ thời kỳ đồ đá mới tới cuối triều đại nhà Thanh.
Bộ sưu tập ấn tượng có thể kể tới những bức thư pháp, đồ trang sức, ngọc, đồ gốm hay các hiện vật tôn giáo. Một trong những món hiện vật thu hút sự chú ý nhất của du khách chính là khối đá thạch anh được ví như "miếng thịt kho tàu", do một nghệ nhân ẩn danh thời nhà Thanh tạo nên. Khối đá được ví như báu vật, đến nay có tuổi đời hơn 200 năm.
Phiến đá được tạc sinh động tới mức không thể ngờ tới, với phần bì, mỡ và nạc được phân biệt rõ ràng bởi những lớp màu sắc khác nhau. Lấy nguồn cảm hứng từ món thịt kho Đông Pha của Trung Quốc, người thợ sử dụng khối đá tự nhiên, chạm khắc với độ chính xác cao. Thậm chí, người xem có thể thấy từng lỗ chân lông trên miếng thịt nhìn như thật với cả các nếp nhăn và vết lõm trên da. Sau đó, đá được nhuộm màu tinh xảo, tạo vẻ ngoài "thơm ngon, béo ngậy".
Được biết, món thịt kho Đông Pha vốn là món ăn nổi tiếng ở Hàng Châu, dùng thịt lợn ba chỉ áp chảo để chế biến. Món ăn được đặt theo tên của nhà thơ đồng thời là nhà ẩm thực nổi tiếng thời Tống - Tô Đông Pha.
Truyền thuyết kể rằng, khi Tô Đông Pha đang làm món thịt kho thì một người bạn đến thăm và thách chơi cờ tướng. Cả hai chơi say sưa tới mức ông quên hẳn món thịt đang đun nhừ trên bếp. Tới lúc phát hiện ra, những miếng thịt đã kho nhừ và đặc quánh tới mức vô tình trở thành món ngon nức tiếng. Và khối đá trên trông hấp dẫn không kém gì món thịt kho Đông Pha ngoài đời thực.
Bảo vật "miếng thịt kho tàu" được đặt trên giá vàng, càng tạo sự trang trọng, thu hút chú ý của du khách khi tới thăm. Bên cạnh đó còn một hiện vật khác cũng nhận được sự quan tâm không kém. Đó là khối cẩm thạch được tạc thành hình cây cải thảo. Mẫu vật được nghệ nhân tạc từ khối đá nửa xanh, nửa trắng. Thậm chí, những vệt loang màu sắc tự nhiên của đá hay cả đường nứt cũng được tận dụng triệt để, tạo hình thành bẹ và lá, trông sinh động như thật.
Được biết, việc chạm khắc những cây cải thảo từ đá cẩm thạch vốn phổ biến vào giữa và cuối triều đại nhà Thanh (1644 đến 1912). Mẫu vật này ban đầu được trưng bày tại điện Ung Hòa của Tử Cấm Thành. Các chuyên gia nhận định, đây là món hồi môn dành cho một nhân vật trong Hoàng tộc.