Sự thật về tượng thầy trò Đường Tăng "phiên bản lỗi" gây tranh cãi ở Sơn La

Khôi Vũ

(Dân trí) - Mới đây, loạt bức tượng các nhân vật nổi tiếng trong phim Tây Du Ký xuất hiện ở Sơn La đã được cộng đồng mạng quan tâm và gây nhiều tranh cãi.

Chuyện những bức tượng "phản cảm" xuất hiện tại các địa điểm du lịch hẳn không còn xa lạ gì ở nước ta. Đa phần các ý kiến để lại đều phản ứng gay gắt, cho rằng chúng khác quá xa bản gốc.

Mới đây, cộng đồng mạng đang lan truyền loạt ảnh chụp bốn bức tượng mô phỏng các nhân vật trong bộ phim Tây Du Ký tại đồi chè Phiêng Cằm, thuộc bản Nong Tàu, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Hình ảnh thầy trò Đường Tăng thì chẳng còn xa lạ gì với nhiều người Việt nhưng nhiều người cho rằng, họ "không nhận ra nổi" bốn nhân vật này vì các bức tượng quá xấu, thô kệch, khác xa bản gốc.

Sự thật về tượng thầy trò Đường Tăng phiên bản lỗi gây tranh cãi ở Sơn La - 1

Bốn bức tượng đang gây xôn xao cộng đồng mạng.

Sự thật về tượng thầy trò Đường Tăng phiên bản lỗi gây tranh cãi ở Sơn La - 2

Nhân vật Tôn Ngộ Không được cho là "phiên bản lỗi".

Nhiều người cho rằng thầy trò Đường Tăng đặt ở đồi chè Sơn La đích thị là "phiên bản lỗi", trông khác xa với nhân vật gốc và không ăn nhập với bối cảnh. Nhiều người bình luận: "Bát Giới xấu quá trời", "Nhị sư huynh nghe có vẻ make-up hơi quá đà. Hàng mi cong mới chịu", "Đường Tăng xấu thế này thì không lo bị yêu quái bắt cóc rồi", "Tôn Ngộ Không không có chút thông minh, linh hoạt nào cả"...

Một vài tài khoản khác thì tích cực nhìn nhận: "Thực ra mình thấy cũng hay đấy chứ. Mục đích làm những nội dung này là để phục vụ nhu cầu giải trí. Và nó đã hoàn thành nhiệm vụ của nó, có khi còn tốt hơn là làm giống nguyên mẫu".

Sự thật về tượng thầy trò Đường Tăng phiên bản lỗi gây tranh cãi ở Sơn La - 3

Tượng Trư Bát Giới được nhiều người đánh giá khá thô kệch.

Sự thật về tượng thầy trò Đường Tăng phiên bản lỗi gây tranh cãi ở Sơn La - 4

Bức tượng Đường Tăng bị chê tơi tả vì quá xấu.

Liên hệ với chị Hà Thị Ngương - chủ địa điểm đặt những bức tượng, được biết: Đây chỉ là một bãi đất trống trong khu quán ăn nhỏ, không phải là điểm du lịch. Quán có tên là Đồi chè chong chóng Phiêng Cằm, là nơi mọi người thường đến để uống nước, bia hoặc đặt các món ăn truyền thống của người bản địa. Khu vực này rộng khoảng 2 héc-ta, được chị Ngương trồng hoa, làm tiểu cảnh chong chóng và đặt một số bức tượng để mọi người tới quán ăn uống, chụp ảnh kỉ niệm.

Sự thật về tượng thầy trò Đường Tăng phiên bản lỗi gây tranh cãi ở Sơn La - 5

Tượng nhân vật Sa Tăng đang gánh hành lý.

Chia sẻ về những bức tượng thầy trò Đường Tăng, chị Ngương cho biết: "Tôi thấy nhiều khu du lịch mua tượng về để trưng bày, thu hút mọi người tới chơi thì tôi học theo mua về. Bốn tượng nhân vật này tôi mua với giá 15 triệu. Mục đích mua về để trưng bày cho mọi người đến quán ăn uống chụp ảnh. Tôi không biết nhiều về những bức tượng này nên người ta bán là tôi mua về thôi".

Được biết, hiện tại khu quán ăn đồi chè Phiêng Cằm đang tạm đóng cửa do ảnh hưởng dịch Covid-19. Do dịch Covid-19, không có khách nên chị Ngương không đầu tư xây dựng gì nhiều. Hiện vườn hoa cũng đã tàn, chưa được trồng mới. Bà chủ nơi này cũng chia sẻ, tương lai chị muốn làm một địa điểm du lịch để phát triển ngành này tại địa phương.

Không chỉ ở Sơn La, vừa qua cộng đồng mạng cũng có nhiều ý kiến trái chiều về tượng Nữ thần tự do và tượng Nữ hoàng băng giá Elsa ở một điểm "check-in" nằm trên địa bàn thị xã Sa Pa, Lào Cai.

Sự thật về tượng thầy trò Đường Tăng phiên bản lỗi gây tranh cãi ở Sơn La - 6

Bức tượng nữ thần tự do phiên bản "đột biến" từng gây xôn xao dư luận vì tính thẩm mỹ ở Sa Pa.