Sang Việt Nam, khách Tây chi tiền học dắt trâu đi cày, nấu rượu, thổi xôi

Hồng Anh

(Dân trí) - Vợ chồng ông Jean Louis cùng người dân đi cày, học ủ cơm nếp nấu rượu, đi hái lá làm xôi ngũ sắc... Được lội chân xuống bùn và tự tay làm các món ăn địa phương, cả hai cảm thấy vô cùng thích thú.

Khách Tây thích ngủ nhà sàn, đi cày, hái rau

Trong những năm gần đây, đồi chè Long Cốc ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích. Nơi đây được mệnh danh là "đồi chè đẹp nhất Việt Nam" với nhiều quả đồi hình bát úp tạo nên vẻ đẹp vô cùng độc đáo.  

Không chỉ là vùng trồng chè nổi tiếng, Long Cốc còn được biết đến là nơi sinh sống của các dân tộc Mường, Dao với những phong tục, tập quán đa dạng.

Đến với Long Cốc, ngoài việc thưởng thức tách trà thơm ngon, du khách còn có cơ hội hòa mình vào các hoạt động thường nhật của người dân nơi đây, hóa thân trở thành những nông dân thực thụ, sáng vác cày ra đồng, chiều lên đồi hái chè, trồng ngô.

Sang Việt Nam, khách Tây chi tiền học dắt trâu đi cày, nấu rượu, thổi xôi - 1

Ông bà Jean Louis chụp ảnh lưu niệm cùng người dân trong chuyến trải nghiệm ở Phú Thọ (Ảnh: Út Mười).

Các tour du lịch trải nghiệm dạng này ngày một thu hút đông đảo du khách. Mới đây, đoạn video ghi cảnh vị khách Tây vác cày ra đồng, học cách cày bừa chia sẻ trên mạng xã hội thu hút đông đảo người xem.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vị khách trong đoạn video là ông Jean Louis (người Pháp). Vợ chồng ông Jean Louis vừa có chuyến du lịch khó quên tới xã Long Cốc.

Đồng hành cùng vợ chồng ông Jean Louis trong chuyến tham quan xóm Nhội, xã Long Cốc, nhiếp ảnh gia Út Mười (sống tại Phú Thọ) cho biết, vợ chồng vị khách người Pháp đến Long Cốc vào đầu tháng 12 và ở lại đây 4 ngày 3 đêm.

Tới Long Cốc, họ dành 2 ngày đầu tham quan các thắng cảnh như đồi chè Long Cốc, đi ngắm bình minh, hoàng hôn, đi tham quan đường rừng.

Hai ngày còn lại, hai vị khách Tây cùng người dân đi cày, học ủ cơm nếp nấu rượu, đi hái lá làm xôi ngũ sắc. Xôi là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội và sinh hoạt hàng ngày của người Mường.

Những hạt nếp dẻo thơm được bà con ngâm qua đêm, rồi đem đồ trên bếp củi cho đến khi xôi mềm, dẻo. Mùi nếp thơm ngào ngạt quyện với hương khói bếp đem đến một trải nghiệm khó quên cho cả hai.

Trong lịch trình 4 ngày 3 đêm, họ ở cùng người dân địa phương, ngủ trong các ngôi nhà sàn và thưởng thức những bữa cơm đậm chất gia đình Việt.

Sang Việt Nam, khách Tây chi tiền học dắt trâu đi cày, nấu rượu, thổi xôi - 2

Ông Jean Louis dắt châu ra đồng đi cày như một người nông dân (Ảnh: Cắt từ clip).

 "Trước 2 vị khách này từng có rất nhiều đoàn khách từ châu Âu, Mỹ đến đây và trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp địa phương. Những vị khách vốn đã quen với các hoạt động công nghiệp hóa, máy móc cảm thấy lạ lẫm và háo hức khi được vác cày ra đồng, lội xuống bùn và điều khiển cái cày, con trâu", nhiếp ảnh gia Út Mười chia sẻ.

Cũng theo nhiếp ảnh gia này, xã Long Cốc tập trung đông đảo người Mường còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa. Người dân nơi đây rất thân thiện hiếu khách nên đã để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách. Hai vị khách Tây vì thế có cơ hội hiểu thêm về nền nông nghiệp trồng lúa nước cũng như tập quán sinh hoạt địa phương.

Sang Việt Nam, khách Tây chi tiền học dắt trâu đi cày, nấu rượu, thổi xôi - 3

Vị khách người Pháp học cách gói xôi ngũ sắc (Ảnh: Cắt từ clip).

 "Nấu cơm phục vụ khách Tây không khó"

Trực tiếp đón vợ chồng ông Jean Louis tại gia đình, anh Hà Thanh Luân (34 tuổi, xóm Nhội, xã Long Cốc) cho biết, anh đã nấu những món ăn địa phương như gà rang gừng, cơm canh, thịt nướng, vịt nướng, ngan xào… để phục vụ du khách.

"Tôi thấy nấu cơm phục vụ các vị khách nước ngoài không khó. Họ cho biết cảm thấy rất ngon miệng khi thưởng thức các bữa cơm tại nhà tôi", anh Luân nói.

Ngoài lo ăn uống, gia đình anh còn đưa du khách đi tham quan các điểm du lịch trong vùng, cùng khách đi cày, trồng ngô, vun cỏ ngô, hái chè… Buổi tối trước khi khách rời đi, anh Luân và người dân địa phương còn tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ nhằm giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc, cùng khách múa hát, chụp hình kỷ niệm.

Mọi công việc hàng ngày vẫn diễn ra bình thường, khi có khách từ các công ty du lịch đưa về, gia đình anh kết hợp đón tiếp khách trải nghiệm.

Sang Việt Nam, khách Tây chi tiền học dắt trâu đi cày, nấu rượu, thổi xôi - 4

Nhà sàn nơi gia đình anh Luân đón tiếp những vị khách nước ngoài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

 Cũng theo anh Luân, trong khoảng thời gian ngắn gần đây, gia đình anh đã đón tiếp 3 đoàn khách nước ngoài tới tham gia các hoạt động nông nghiệp. Du khách đều tỏ ra thích thú, về ẩm thực họ cũng cảm thấy hài lòng với các món ăn Việt do người dân địa phương chế biến.

Có dịp đồng hành cùng nhiều đoàn khách Tây đến Long Cốc, nhiếp ảnh gia Út Mười đánh giá, khách nước ngoài rất thích trải nghiệm về cuộc sống đời thường của người Việt như làm ruộng, làm cỏ, hái rau. Hoạt động này giúp họ hiểu thêm về sự cần cù, chịu khó và tình đoàn kết trong cộng đồng người Việt.

 "Nhiều khách thích sự yên tĩnh nên thường đi theo nhóm nhỏ 2-3 người hay gia đình. Họ ở cùng người dân địa phương trong các ngôi nhà truyền thống để cảm nhận cuộc sống mộc mạc, giản dị. Họ không thích ở khu nghỉ dưỡng hay phòng nghỉ được chăm chút quá cầu kỳ", nhiếp ảnh gia Út Mười nói.

Để quá trình đón tiếp, phục vụ du khách tham gia các tour trải nghiệm nông nghiệp được trọn vẹn, chu đáo, nhiếp ảnh gia này cho rằng cần có sự tư vấn của các đơn vị lữ hành. Người dân cần hiểu thêm về làm du lịch, dịch vụ để vừa đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách, vừa đảm bảo được sự độc, lạ thu hút thêm nhiều lượt khách.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm