Rủ nhau tham gia hội chợ, du lịch Việt vẫn long đong “đi trước, về sau”

(Dân trí) - Tiền bỏ ra, sức mang đi, ăn nằm ở “đất khách quê người” tìm kiếm đối tác, quảng bá hình ảnh đất nước mình, nhưng những năm qua, nhiều doanh nghiệp tham gia hội các hội chợ du lịch quốc tế đều tỏ ra thất vọng vì hiệu quả không được như mong đợi.

Tiền đóng rồi, hội chợ vẫn không tổ chức được...

Đã có nhiều điều tiếng về hiệu quả mơ hồ của hoạt động xúc tiến du lịch qua những hội chợ du lịch. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp dẫn đến lãng phí thiếu hiệu quả, khiến cho lượng khách đến Việt Nam không được như mong muốn.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho rằng, việc này chúng ta đã làm hàng chục năm nay nhưng còn nhiều vấn đề, thể hiện sự manh mún, dàn trải, chưa có nhạc trưởng. Gần đây thì có vẻ thành công hơn, nhưng nhìn xuyên suốt nhiều năm qua thì chúng ta lại quá chậm, quá yếu và quá lãng phí.


Với các doanh nghiệp du lịch, hội chợ là sự kiện rất quan trọng để họ quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng cho mình

Với các doanh nghiệp du lịch, hội chợ là sự kiện rất quan trọng để họ quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng cho mình

Để bán được tour, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại dùng cả người mẫu ra phát tờ rơi cho khách
Để bán được tour, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại dùng cả "người mẫu" ra phát tờ rơi cho khách

Ông Kế cũng thẳng thắn nêu ra: “Nhiều hội chợ làm rùm beng lên kêu gọi chúng tôi tham gia, chúng tôi đóng tiền rồi nhưng cuối cùng cơ quan chủ trì lại không phê duyệt kế hoạch, như thế thì rất đáng tiếc, vô lý và mất uy tín.”

Một điều không thể phủ nhận rằng trong nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã đổ tiền vào tham gia các hội chợ du lịch trên thế giới, thế nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém này song chủ yếu là do sự thiếu chuyên nghiệp. Nhưng có một điều đáng nói hơn là trong khi chúng ta đang còn lúng túng trong khâu tổ chức để các gian hàng hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế thì ngay trong khâu tổ chức đã có sự thiếu thống nhất giữa các doanh nghiệp với nhau.

Khi tới nơi, doanh nghiệp chỉ muốn về luôn…

“Vừa rồi, có gần 50 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Du lịch Quốc Tế ITB nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp ra được mặt tiền thôi, còn lại là ở bên trong và không có khách luôn, một số doanh nghiệp muốn về luôn sau khi đến nơi” – ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Du lịch Pioneer Asia Holidays bộc bạch.

Chia sẻ với ông Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – Vũ Thế Bình bổ sung thêm, tham dự ITB vừa qua có nhiều doanh nghiệp du lịch của chúng ta kêu tốn tiền mà không biết đi được gì không? Họ đi với tâm thế chỉ mong túm được một vài doanh nghiệp quốc tế nào đó gặp gỡ ký kết hay giao lưu để “cầu may”.

Sự thiếu chuyên nghiệp trong quảng bá, xúc tiến khiến lượng khách quốc tế đến VN không nhiều
Sự thiếu chuyên nghiệp trong quảng bá, xúc tiến khiến lượng khách quốc tế đến VN không nhiều

Nhiều người lý giải rằng, mấy năm vừa qua du lịch Việt Nam luôn lẹt đẹt chạy theo các nước trong khu vực là do chúng ta đầu tư quá ít vào việc quảng bá sản phẩm ra nước ngoài. Trong khi đó các quốc gia láng giềng hàng năm chi kinh phí cho việc này gấp nhiều lần Việt Nam.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng vấn đề quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra quốc tế không chỉ nằm ở chỗ tiền nhiều hay tiền ít mà là trong một thời gian dài vừa qua chúng ta đã sử dụng không hiệu quả số tiền ít ỏi ấy. Bên cạnh đó, ngay cả những người làm công việc đó chưa đủ “tầm” để tổ chức những sự kiện quảng bá ở nước ngoài nhằm thu hút bạn bè quốc tế đến với đất nước mình.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, từ lâu nay cơ quan quản lý phải ôm đồm mọi việc. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thường không tin tưởng hoàn toàn lẫn nhau. Nhưng giờ phải thay đổi, ai lăn lộn với công việc thì chúng ta nên giao việc cho họ.

“Về phía Nhà nước, TCDL hiện đang quản lý các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch có kinh phí của nhà nước. TCDL hỗ trợ tiền đất cho những hội chợ lớn, tôi nghĩ về lâu dài, TCDL làm công việc này không phù hợp. Đơn vị này chỉ là đơn vị quản lý hành chính. Vì thế, chúng ta phải cùng nhau kiến nghị Nhà nước tái thành lập Cục Xúc tiến Du lịch là đơn vị sự nghiệp hoàn toàn có đủ thẩm quyền để chi tiêu và không phải hỏi ý kiến ai cả”, ông Bình thẳng thắn.

Hữu Thắng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm