Quảng Ninh: Du lịch "rộng cửa" nhưng khách lại thưa thớt, vì sao?

Thảo Trinh

(Dân trí) - Dù báo cáo của Sở du lịch Quảng Ninh cho thấy lượng khách đến du lịch dịp đầu năm tăng gần gấp đôi so với năm 2022 song thực tế nhiều doanh nghiệp cho biết, khách lưu trú ảm đạm, thưa thớt.

Theo báo cáo nhanh của Sở Du lịch Quảng Ninh mới đây, chỉ tính 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão, địa phương này đón gần 700.000 lượt khách (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 17.000 lượt và lượng khách lưu trú đạt khoảng 230.000 lượt (chiếm 30 - 40% công suất phòng).

Tuy nhiên, trước thông tin liên quan về việc lượng khách lưu trú trong dịp Tết khá cao, nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tỏ ra bất ngờ và cho rằng số liệu này chưa đúng với thực tế.

Lý do là bởi hầu hết các khách sạn đều đóng cửa trước Tết hoặc chỉ đón một lượng khách rất nhỏ dịp này.

Khách đến Quảng Ninh ảm đạm dù báo cáo thống kê cao

Một số khách sạn lớn, từ 3-4 sao tại Hạ Long mới trở lại hoạt động từ mùng 8 Tết (tức ngày 29/1), trong đó có khách sạn nghỉ từ 23 âm lịch vì không có khách đặt phòng trong dịp Tết.

Quảng Ninh: Du lịch rộng cửa nhưng khách lại thưa thớt, vì sao? - 1

Lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh ở Quảng Ninh đầu năm rất đông tuy nhiên, số khách này gồm cả người dân trong tỉnh và ngoại tỉnh, với lượng lưu trú rất thấp. Trong ảnh là khách du xuân tại Yên Tử (Ảnh: Quân Đỗ).

Đại diện một khách sạn 4 sao tại Hạ Long cho biết, suốt 7 ngày nghỉ Tết và đến đầu tháng Giêng, đơn vị này đón lượng khách rất thấp. Ngày cao điểm, công suất phòng cũng chỉ đạt 20-25% trên tổng số 190 phòng.

Ông H.T - Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội chuyên khai thác khách đến Quảng Ninh cho rằng, phản ánh của nhiều đơn vị là có cơ sở.

Ông T. ghi nhận, trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, khách du lịch tới Quảng Ninh chủ yếu đi lễ chùa, hành hương và vãn cảnh. Trong đó khách nội tỉnh và các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội chiếm tỉ lệ cao.

Trong 7 ngày nghỉ Tết, đơn vị này phục vụ đưa đón khoảng 800 lượt khách du xuân tới Quảng Ninh song tỉ lệ khách nghỉ lại qua đêm, lưu trú trên địa bàn tỉnh rất thấp.  

"Ở Quảng Ninh hiện có tới 3 tuyến đường cao tốc trọng điểm, gồm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Hệ thống giao thông hiện đại, thuận lợi, việc di chuyển giữa các tỉnh và giữa các địa điểm trong tỉnh rút ngắn chỉ còn vài giờ đồng hồ nên khách tới đây chủ yếu du lịch trong ngày, không có nhu cầu lưu trú", ông T. nói.

Quảng Ninh: Du lịch rộng cửa nhưng khách lại thưa thớt, vì sao? - 2

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là một trong những cao tốc sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối với 32 cây cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài là hơn 7,9km (chiếm 10% tổng chiều dài tuyến) (Ảnh: Tiến Tuấn).

Du lịch "rộng cửa" nhưng khách lại thưa thớt, vì sao?

Sở dĩ lượng khách lưu trú tại Quảng Ninh trong dịp Tết khó đạt mức cao là do thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc. Nhiều điểm, khu vui chơi cũng đóng cửa như khu Công viên rồng đóng cửa từ ngày 25 âm lịch đến mùng 1 Tết; tuyến cáp treo Nữ Hoàng đóng cửa cả buổi sáng và chỉ hoạt động từ 14h đến 18h hàng ngày.

Ngoài ra, tâm lý thắt chặt chi tiêu khi nền kinh tế chưa thực sự phục hồi cũng ảnh hưởng đến mức chi của khách du lịch.

"Dịch vụ lưu trú chiếm khoảng 30-40%, thậm chí 50% tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Trong khi đó, du khách có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn nên những người lựa chọn đi về trong ngày vẫn chiếm ưu thế", giám đốc một doanh nghiệp lữ hành có tour đưa khách đến Quảng Ninh cho hay.

Đồng quan điểm, bà T.H, đại diện một đơn vị khai thác dịch vụ du thuyền 5 sao tại Hạ Long cho rằng, nhiều du khách hiện có xu hướng du lịch kiểu "liệu cơm gắp mắm". Trong khi những người thực sự "mạnh tay" chi tiêu gần như đều lựa chọn du lịch nước ngoài.

Chưa kể, khách quốc tế lưu trú trên địa bàn tỉnh từ trước tới nay chiếm tỉ lệ cao, mang lại nguồn thu du lịch lớn nhưng dịp Tết năm nay chưa thể trở lại Quảng Ninh do nhiều nguyên nhân.

"Thời điểm cuối đông đầu xuân vốn không phải mùa hút khách Việt tới Quảng Ninh, nhất là Hạ Long mà chủ yếu đón khách nước ngoài. Tết năm nay, lượng khách châu Âu và Ấn Độ chiếm ưu thế, còn nguồn khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa quay trở lại", bà H. cho biết.

Kỳ nghỉ Tết 2023, doanh nghiệp này ghi nhận lượng khách lưu trú tại Hạ Long không cao, chỉ đạt khoảng 30-35% so với giai đoạn trước dịch.

"Từ Tết đến nay, ở Hạ Long, lượng tàu thuyền chạy các chuyến trong ngày, của tất cả các hãng vẫn ít, mỗi chuyến có khi chỉ đón được vài khách, thậm chí nhiều tàu thuyền phải nằm cảng vì không có khách tham quan", bà H. nói thêm.

Theo bà H., du lịch Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng vẫn mang tính mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào du lịch biển. Trong khi tiềm năng, lợi thế trên bờ lại rất lớn.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam vẫn chưa có một quy chuẩn chung về thống kê lượng khách lưu trú. Nhiều địa phương báo cáo cũng chỉ mang tính "ước chừng" nên tính chính xác không cao.

Quảng Ninh thiếu sản phẩm du lịch để khách chịu "móc hầu bao"

Sở dĩ lượng khách lưu trú không cao, ngoài vấn đề khách quốc tế chưa trở lại, nhất là khách Trung Quốc thì nguyên nhân cốt lõi là chất lượng các sản phẩm du lịch, đặc biệt thiếu các sản phẩm du lịch về đêm.

Các sản phẩm du lịch ở Quảng Ninh tập trung nhiều vào du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng. Chưa kể, các chương trình, sự kiện du lịch đặc sắc cũng chủ yếu diễn ra trong mùa hè như Carnaval Hạ Long 2022, Festival áo dài 2022 hay SEA Games 31,…

Hay tại các vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, sản phẩm chính vẫn là du thuyền, ngắm cảnh. Trong khi nhiều sản phẩm đặc thù, hấp dẫn du khách lại chưa được cấp phép khai thác hoặc thí điểm xong lại dừng,…

Quảng Ninh: Du lịch rộng cửa nhưng khách lại thưa thớt, vì sao? - 3

Trải nghiệm du thuyền đẳng cấp trên vịnh Hạ Long hút khách trong và ngoài nước (Ảnh: Toàn Vũ).

Ngoài ra, giá cả hàng hóa cũng là yếu tố cản trở khách du lịch chi tiêu tại Quảng Ninh.

Đại diện nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh bày tỏ mong muốn các ban ngành, cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm đưa ra giải pháp "dài hơi" thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, giảm giá thành sản phẩm để hút khách tới trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh, tăng thời gian lưu trú.

"Quảng Ninh có nguồn tài nguyên du lịch rất lớn, cả phi vật thể và tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Các doanh nghiệp du lịch đã đề xuất khá nhiều sản phẩm hấp dẫn, trong đó có những sản phẩm đã thí điểm thành công.

Nếu không đổi mới, sáng tạo để có thêm những sản phẩm mới, hấp dẫn thì với hệ thống cao tốc hiện đại bậc nhất cả nước hiện nay của Quảng Ninh, du khách sẽ chỉ đến đây trong ngày, ít lưu trú qua đêm vì ở lại cũng không biết chơi gì", đại diện một đơn vị lữ hành ở Quảng Ninh khẳng định.