Quảng Nam kích cầu du lịch xanh với bản sắc văn hóa vùng miền
(Dân trí) - Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã có trên 4,2 triệu lượt khách du lịch đến với tỉnh Quảng Nam, tăng hàng chục lần so với năm 2021 nhưng chưa bằng năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Chiều 16/9, với sự bảo trợ của UBND tỉnh Quảng Nam và tổ chức UNESCO tại Việt Nam, Hiệp hội du lịch Quảng Nam tổ chức hội thảo quốc tế Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho hay trong 9 tháng qua, nền kinh tế du lịch của tỉnh có những tín hiệu rất khả quan. Theo ông Tân, trong 9 tháng qua, tỉnh đã đón được trên 4,2 triệu lượt khách trong và ngoài nước; trong đó khách quốc tế đạt trên 410.000 lượt khách.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, dù số lượng khách đến với Quảng Nam năm 2022 chưa bằng thời điểm trước đại dịch Covid-19 năm 2019; nhưng so với năm 2021, lượng khách nội địa và quốc tế đến với Quảng Nam tăng hàng chục lần.
Ông Douglas Hainsworth - Trưởng nhóm chuyên gia Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) đặt câu hỏi "Làm thế nào để khai thác nét đẹp văn hóa đặc trưng Quảng Nam cho phát triển du lịch xanh?".
Theo ông Douglas Hainsworth, tài nguyên văn hóa đặc trưng và chưa từng có của Quảng Nam vẫn sẽ là một nền tảng để phát triển ngành du lịch và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hướng tới phát triển du lịch xanh.
"Văn hóa cần phải giữ ở vị trí trung tâm nhưng cần nỗ lực để làm đa dạng, trải rộng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa xanh", ông Douglas Hainsworth nói.
Trưởng nhóm chuyên gia Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ cũng cho rằng chính quyền tỉnh Quảng Nam đi đầu trong việc phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, trong đó có việc xây dựng kế hoạch hành động phát triển du lịch xanh Quảng Nam.
Điều quan trọng là phải phù hợp với nhu cầu mới của thị trường đồng thời đảm bảo các nguồn tài nguyên văn hóa đặc trưng, coi đây là chiến lược cho du lịch xanh sau Covid-19.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam - cho hay du lịch Quảng Nam lâu nay chủ yếu chỉ có đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm ở phía bắc của tỉnh thu hút khách. Du khách đến đông nhưng doanh thu không nhiều, số ngày lưu trú cũng không cao.
Do đó, ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng cần có những giải pháp để tuyên truyền nhận thức sâu rộng trong việc triển khai bộ tiêu chí du lịch xanh, làm thế nào để có thêm nhiều sản phẩm lan tỏa về phía nam, phía tây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn để khai thác các giá trị tiềm năng làng nghề, bản sắc văn hóa bản địa vùng miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam.
Đa dạng sản phẩm và theo định hướng xuyên suốt phát triển du lịch xanh, bền vững, du lịch trên nền tảng văn hóa. Phấn đấu sau Năm du lịch Quốc gia 2022 sẽ có nhiều sản phẩm đảm bảo theo bộ tiêu chí du lịch xanh được công nhận, có giá trị.
Hội thảo quốc tế Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam là một trong chuỗi sự kiện năm Du lịch Quốc gia "Quảng Nam 2022 - Điểm đến du lịch xanh" và hướng đến kỷ niệm 23 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Với thông điệp Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam, hội thảo chú trọng các giải pháp và mô hình cho ngành du lịch địa phương xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững - tăng trưởng xanh ở Quảng Nam.
Với hội thảo quốc tế thường niên lần này là bước tiến quan trọng trong mục tiêu hành động của Hiệp hội du lịch Quảng Nam từ du lịch bền vững - không rác thải nhựa đến du lịch xanh nương tựa các nền tảng - giá trị đặc trưng Quảng Nam.
Hội thảo khẳng định sự cam kết chung tay hành động của Hiệp hội du lịch Quảng Nam với UBND tỉnh Quảng Nam về "Môi trường du lịch bền vững - tăng trưởng xanh".
Tại hội thảo cũng diễn ra hoạt động bổ trợ, minh họa sinh động về một số mô hình sản phẩm du lịch xanh; bao gồm các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường không chỉ của 11 đơn vị tiên phong, cùng các workshop bảo vệ môi trường như show tái chế xà phòng, lớp học gấp túi giấy (sử dụng thay túi nilon) và các sản phẩm được sử dụng trong ngành du lịch, mô hình du lịch xanh - bền vững về chủ đề về môi trường.
Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp du lịch, các tổ chức, cá nhân quan tâm về du lịch bền vững.
Đặc biệt, hội thảo lần này có sự góp mặt của các nhà hoạt động du lịch, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, là diễn giả chính thức tại diễn đàn.