Quán đậu hủ thối có vị lạ, khách muốn ăn phải xếp hàng "bốc" số ở TPHCM
(Dân trí) - Món đậu hủ thối của anh La Phúc Khang (SN 1998) khiến thực khách phải xếp hàng nhiều giờ đợi mua.
Khoảng 16h30, xe đậu hủ thối của Phúc Khang tại chung cư thuộc quận 3, TPHCM bắt đầu nhận khách. Anh lấy miếng đậu hủ thối cắt thành khối vuông nhỏ, chiên vàng trên chảo dầu.
Tay Khang đảo liên tục đến khi miếng đậu hủ có vỏ giòn, tỏa ra mùi đặc trưng. Hộp đậu hủ thối có màu sắc hài hòa, đậu hủ vàng ươm, thêm chút hành ngò xanh và muối hồng Tân Cương.
Khách đến mua được bốc số thứ tự, đậu hủ thối thường hết trong khoảng 40-60 phút, tính từ giờ mở bán. Có khách hàng từ Bình Dương, Long An cũng tìm đến xe đậu hủ thối của Phúc Khang. Thậm chí, một số người đã quay lại 3 lần nhưng vẫn chưa thưởng thức được món ăn này, bởi khách quá đông.
Mỗi ngày, chàng trai 25 tuổi chỉ có thể làm được 40-50 phần đậu hủ, ngày cuối tuần là 100 phần. Tuy nhiên, số lượng này vẫn phục vụ khách hàng không đủ, mỗi người chỉ được mua tối đa 2 phần.
Đậu hủ thối là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mùi vị món ăn này khá nặng, có vị béo đặc trưng của đậu nành lên men. Hiện tại, đậu hủ thối có nhiều cách chế biến khác nhau, nổi bật là đậu hủ thối theo kiểu Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong.
Phúc Khang vốn yêu thích các món ăn nặng mùi như mắm, chao... Lần đầu tiên thưởng thức đậu phụ thối, anh chàng đã phải "thảng thốt" trước độ ngon "ngoài giòn trong béo" của món ăn này.
Chàng trai GenZ quyết định tạm gác công việc văn phòng ổn định, bắt tay nghiên cứu đậu hủ thối từ tháng 12/2022. Thông thường, đậu hủ sẽ được ngâm trong "nước thối" để lên men, hỗn hợp này bao gồm đậu đen, mè đen, bột than tre cùng các loại thảo mộc khác.
Quá trình ủ "nước thối" được diễn ra khoảng 1 tháng. Sau đó, đậu hủ được ngâm từ 4-5 ngày trong hỗn hợp này cho đến khi có mùi đặc trưng.
"Đậu hủ thối là món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ từng công đoạn. Nếu sơ suất về thời gian hay thao tác, mọi thứ sẽ hư hỏng không cứu được. Thời gian đầu, mình đã phải bỏ gần 140 lít nước ngâm và hàng trăm khay đậu hủ. Đa phần, các tài liệu về món ăn này đều là tiếng Trung Quốc. Mình phải dịch từ nhiều nguồn và làm nhiều công thức khác nhau", Khang nói thêm.
Ngày đầu tiên, Khang chỉ bán được 7-8 phần, đa số do người thân và bạn bè ủng hộ. Tuy nhiên, đến ngày thứ 9, khách hàng đã tìm đến đông để thưởng thức món ăn đặc trưng này. Có ngày, anh chàng phải xin lỗi khách hàng vì không thể đáp ứng hết nhu cầu.
Đậu hủ thối hoàn toàn được làm thủ công, chiên trực tiếp khi có khách mua hàng. "Nếu chiên trước, miếng đậu hủ sẽ mất đi mùi đặc trưng, không còn thơm ngon", Khang giải thích.
Để xử lý mùi, anh chàng buộc phải mua máy hút có công suất lớn. Tuy nhiên, khách xếp hàng đợi vẫn ngửi được mùi "thum thủm" đặc trưng của đậu hủ thối.
Khang cho biết, nhiều khách hàng thích trải nghiệm thường hay gọi đậu hủ thối ăn kèm chao thối. Đây là loại chao đặc biệt được pha chế theo công thức của người Trung Quốc, nhằm làm tăng hương vị của món ăn. Người chưa quen với mùi thối "hạng nặng" này có thể thử đậu hủ với muối Tân Cương nghiền cùng thảo mộc, có vị cay nhẹ.
Miếng đậu hủ "đạt chuẩn" đối với Khang thường có những đốm đen li ti, khi chiên lên tỏa mùi, cắn vào cảm nhận được độ mềm, ngậy. Mỗi phần đậu hủ thối được Khang bán với giá 25.000 đồng, kèm dưa chua, nước sốt.
Khang cho biết, khởi nghiệp với món đậu hủ thối là quyết định khá mạo hiểm của anh. Món ăn này vốn không phổ biến ở Việt Nam, khó chinh phục được thực khách tại đây. Để gần gũi với khẩu vị Việt, anh đã làm cho miếng đậu hủ trở nên đậm đà hơn, thay vì nhạt như nguyên bản.
"Ngay từ đầu, ba mẹ mình cũng không ủng hộ mình bán món ăn này bởi nó... lạ quá. Không ai nghĩ khách hàng có thể chi tiền cho món ăn lên men, nặng mùi này. Nhưng sau tất cả, mình rất vui vì món ăn được đón nhận", anh kể.