TP.HCM:
Phát triển du lịch đến 2030: Liên kết để phát triển bền vững
(Dân trí) - Ngoài việc phải xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, chủ lực, TP.HCM cần liên kết các tỉnh lân cận, liên kết vùng để tạo ra những tour hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế đến thành phố.
Địa phương lân cận… luôn sẵn sàng liên kết
Góp ý cho chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong chiến lược du lịch của TPHCM mới chỉ nêu các tour tuyến mà chưa… đưa ra giải pháp liên kết với các tỉnh lân cận.
Đại diện tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho rằng địa phương khá gần thành phố vì vậy cần đẩy mạnh liên kết du lịch giữa tỉnh và TPHCM. Để từ đó xây dựng các tour tuyến du lịch liên kết giữa hai tỉnh, xây dựng các gói sản phẩm du lịch 1 ngày, 2 ngày… đi từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cũng mong mỏi liên kết phát triển du lịch với TPHCM, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, TPHCM có ngành du lịch phát triển nhất vùng vì vậy có thể kéo du lịch các vùng khác phát triển theo.
Tỉnh Tây Ninh có các điểm du lịch như: núi Bà Đen cao nhất Đông Nam bộ; hồ Dầu Tiếng, công trình thủy nông nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á; Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và nhiều danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch…
Đặc biệt, Tây Ninh có ẩm thực phong phú, đa dạng như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh, các món chay của tôn giáo Cao Đài…rất phù hợp liên kết phát triển du lịch ẩm thực với TPHCM.
Định hướng của ngành du lịch TPHCM
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong chiến lược phát triển, Sở cũng đã đưa ra các mục tiêu chính cần đạt như: tỉ lệ khách quay trở lại đạt 50% (năm 2019 - đạt 35%), xếp hàng đầu điểm đến toàn cầu lọt Top 20, và xếp hạng 5 chỉ số châu Á điểm đến hấp dẫn …
Vì vậy, để thu hút du khách đến thành phố sắp tới TPHCM sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm văn hoá lịch sử, y tế, mua sắm, ẩm thực, đường thủy và du lịch sinh thái, nông nghiệp; xây dựng hệ thống du lịch thông minh gắn với xây dựng đô thị thông minh; tăng cường phối hợp triển khai chương trình kích cầu du lịch vào thành phố; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương lân cận, đặc biệt 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; đột phá thủ tục hành chính về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nâng cấp xây dựng mới trạm thông tin du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ khách du lịch của TPHCM …
TPHCM đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch Việt Nam
“Việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030 thông qua bản dự thảo chiến lược của thành phố được đánh giá 14 lần của đơn vị nghiên cứu Roland Berger-khu vực Đông Nam Á là đóng góp cho phát triển du lịch Việt Nam”, ông Siêu nhấn mạnh.
Theo ông Hà Văn Siêu, hiện nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ, công nghệ cũng đi sâu rộng vào đời sống của người dân, gắn với hiện đại công nghệ không dây vì vậy du lịch cuộc sống cần gắn với công nghệ, di động….
Trong chiến lược phát triển du lịch, TPHCM cần lĩnh hội công nghệ thông tin để ứng dụng phát triển ngành du lịch, đáp ứng đủ nhu cầu cá nhân của khách hàng, xây dựng các tour du lịch chất lượng cao. Tiềm lực du lịch tại TPHCM là cái hiện hữu, nhưng để phát triển bền vững, căn cơ vẫn phải kết nối với các tỉnh lân cận cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để cùng nhau phát triển.
“Trong chiến lược phát triển du lịch TP.HCM cần khai thác yếu tố nghệ thuật vào du lịch. TPHCM mới có sản phẩm du lịch, sự kiện thời trang, ẩm thực nhưng các show du lịch nghệ thuật, các buổi biểu diễn tầm cỡ quốc tế chưa nhiều…Đặc biệt, TPHCM cần đẩy mạnh khai thác kinh tế về đêm, đây là thế mạnh của thành phố khi có sẵn các khu, điểm du lịch hoạt động về khuya như: khu phố Tây, khu ẩm thực…”, ông Siêu chỉ rõ.
Phạm Nguyễn