Phát hiện cây khổng lồ bằng tòa cao ốc, mọc ở hẻm núi sâu nhất thế giới
(Dân trí) - Cây bách khổng lồ được nhận định cao nhất ở châu Á, được tìm thấy tại khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Yarlung Zangbo Grand Canyon ở Trung Quốc.
Nếu thử gõ từ khóa "Cây cao nhất châu Á" và tìm kiếm trên Internet, thông tin gửi về có thể nhắc tới cây nhiệt đới sống ở Malaysia, còn có tên là "Menara". Tuy nhiên, kỷ lục này hiện đã bị phá vỡ.
Cây khổng lồ cao nhất thế giới vừa được phát hiện là cây bách sống tại hẻm núi Yarlung Zangbo thuộc khu tự trị Tây Tạng, phía Tây Nam của Trung Quốc. Đây cũng là hẻm núi sâu nhất thế giới với độ sâu tối đa đạt hơn 6.000m.
Với chiều cao đo được là 102,3m đã biến cây bách khổng lồ trở thành cây cao nhất châu Á và đạt chiều cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau cây tùng gỗ đỏ ở California, Mỹ.
Hành trình tìm kiếm cây cao nhất châu Á không đơn giản.
Vào tháng 5/2023, một nhóm chuyên gia dùng máy bay không người lái sử dụng cảm biến, lập bản đồ chính xác tại khu vực có một cụm cây bách tại Himalaya.
Sau đó, họ xác nhận có sự tồn tại của cây khổng lồ cao 102,3m. Cuộc điều tra được nhóm chuyên gia đến từ Đại học Bắc Kinh, trung tâm bảo tồn Xizijiang và trung tâm bảo tồn Shan Shui phối hợp tổ chức.
Trước đó, kỷ lục về cây cao nhất ở Trung Quốc từng tìm thấy vào năm 2022. Đó là một loại cây linh sam cũng thuộc khu tự trị Tây Tạng.
Phát hiện mới nhất này đã "viết lại" kỷ lục về những cây cao nhất châu Á. Đồng thời khu vực này được nhận định là nơi phân bố nhiều cây đại thụ cao nhất ở Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
Ngoài cây bách cao hơn 102,3m, các chuyên gia còn tìm thấy số lượng lớn cây khổng lồ cao hơn 85m và 25 cây trong số đó đạt chiều cao hơn 90m.
Được biết, khu tự trị Tây Tạng sở hữu hệ sinh thái độc đáo nên thời gian gần đây thu hút lượng lớn du khách tới tham quan. Tuy nhiên, nơi này đang chịu ảnh hưởng từ quá trình phát triển và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bởi vậy, song hành cùng việc phát hiện ra "cây cao nhất châu Á", nhóm chuyên gia từ Đại học Bắc Kinh còn ghi chép các cây cao trong vùng, qua đó hiểu rõ sự đa dạng môi trường và đẩy mạnh hoạt động bảo vệ hệ sinh thái.
Hiện cây cao nhất thế giới được xác nhận là tùng gỗ đỏ ven biển nằm trong vườn quốc gia tùng gỗ đỏ ở California, Mỹ. Với chiều cao 116m, cây được ước tính có niên đại từ 600 đến 800 năm và được phát hiện vào năm 2006.