Phát hiện ấn phẩm quảng cáo có "đường lưỡi bò" phi pháp lọt cửa Hội chợ du lịch TP.HCM
Theo UBND TP.HCM, trong thời gian diễn ra Hội chợ quốc tế du lịch TP.HCM 2019 (ITE HCMC 2019) vào tháng 9/2019, cơ quan chức năng phát hiện gian hàng của Thượng Hải (Trung Quốc) mang theo ấn phẩm du lịch có hình "đường lưỡi bò" phi pháp.
Cụ thể, trong thời gian diễn ra hội chợ du lịch, mặc dù BTC đã làm việc trước với các gian hàng của các quốc gia tham dự hội chợ, nhưng vẫn phát hiện gian hàng của Thượng Hải (Trung Quốc) mang theo ấn phẩm quảng cáo du lịch có in hình 'đường lưỡi bò' phi pháp.
Gian hàng Đài Loan (Trung Quốc) trưng bày cờ Đài Loan và trình chiếu phim có cờ của Đài Loan. BTC đã lập biên bản, yêu cầu giao nộp 247 ấn phẩm (163 đĩa DVD và 84 tờ rơi quảng cáo), không được trình chiếu và phát tán các ấn phẩm trên.
Cũng theo báo cáo tình hình và kết quả công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự du lịch 9 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM, nổi lên một số vụ việc phức tạp.
Ấn phẩm có in đường lưỡi bò phi pháp bị phát hiện ở Hội chợ du lịch.
Đầu tiên là tình trạng công dân Việt Nam lợi dụng đi du lịch tìm cách trốn ở lại nước ngoài, vi phạm pháp luật và gặp tai nạn ở nước sở tại, như vụ 2 du khách Việt bị giết hại ở Mỹ, vụ đánh bom ở Ai Cập, vụ tai nạn giao thông ở Thái Lan, vụ 153 công dân Việt Nam trốn ở lại tại Đài Loan, 1 du khách bị thương ở Anh và vụ bỏ chương trình du lịch để khách tại Thái Lan.
Tình trạng taxi thu quá cước và chiếm đoạt tài sản của khách du lịch nước ngoài gia tăng đột biến đã gây nhiều lo lắng cho du khách và các cơ quan đại diện nước ngoài. Theo báo cáo của công ty VinaSun, có khoảng 25 trường hợp taxi nhái nhãn hiệu Vinasun có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của du khách, số taxi nhái chủ yếu tập trung ở chợ Bến Thành, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, sân bay Tân Sơn Nhất.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã xử lý 44 trường hợp taxi vi phạm về sử dụng tên, logo, điện thoại không đúng với tên đăng ký với cơ quan chức năng. Sở Du lịch đã phối hợp xử lý 4 vụ taxi, xích lô thu quá cước vận chuyển.
Tình trạng chèo kéo khách vẫn tiếp diễn.
Tình hình người nước ngoài, Việt kiều vi phạm pháp luật ở Việt Nam vẫn ở mức cao, chủ yếu là công dân các nước Châu Phi, Trung Đông, thường xuyên thay đổi chỗ ở, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó là những vấn đề phức tạp tồn tại từ lâu như buôn bán hàng rong, đánh giày cho khách, chèo kéo đeo bám du khách, cướp giật móc túi, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị chưa chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm đã xảy ra 68 vụ xâm phạm tài sản của người nước ngoài (tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2018), khám phá 33 vụ, bắt 35 đối tượng. Thực tế, số lượng khách nước ngoài bị cướp giật nhiều hơn, chỉ riêng ở khách sạn Nikko đã xảy ra 39 vụ khách du lịch nước ngoài bị cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Từ đây đến cuối năm, dự báo lượng khách đến TP.HCM tăng cao nên UBND TP đề nghị các sở, cơ quan liên ngành phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an ninh trật tự cho du khách.
Theo M.T
Dân Việt