Ở phiên chợ đá quý được bán như… rau
(Dân trí) - Trải qua bao thời gian đến nay phương thức và cách giao dịch vẫn không thay đổi. Người ta gọi chợ này là phiên chợ bạc tỷ, bởi những mặt hàng chỉ có đá quý chứ không có hàng hóa khác.
Chợ đá Lục Yên họp tại một địa điểm khá đẹp nằm ở góc hồ nước lung linh ở Thị trấn Yên Thế. Chợ chỉ họp trong khoảng thời gian vài ba tiếng đồng hồ vào buổi sáng hàng ngày.
Từ sáng sớm, khi những dải sương trắng vẫn còn phảng phất dưới cái nắng xiên, hàng trăm dân buôn gom hàng từ các bãi khai thác đá quý đổ về khu chợ nhỏ này.
Họ chậm dãi dọn hàng. Không lều chõng, quầy tủ cầu kỳ mà đơn giản đến thế này. Cả chợ có khoảng ba bốn mươi sạp hàng, người bán hàng đều là những phụ nữ, hầu hết đã gắn bó với cái chợ này từ khi nó hình thành.
Bãi đá khác với bãi vàng, bởi nó nằm rải rác khắp núi khắp rừng. Có lẽ chính sự phong phú về màu sắc đá của Lục Yên đã đem lại cho mảnh đất này một phong vị khác hẳn với những trung tâm đá như Quỳ Hợp hay Đăk Nông.
Theo lời dân địa phương, chợ này phát triển nhất vào những năm 1991, 1992 là những năm đầu người ta phát hiện ra ở Lục Yên có mỏ đá quý. Dân các nơi đổ đến đào đãi đá. Dân địa phương cũng bỏ nghề làm ruộng, đi rừng để tìm đá. Ai đi đào đãi được chút ít lại mang về chợ bán.
Khi đó, chợ đá Lục Yên có hàng trăm gian hàng lớn, nhỏ. Người ở tứ phương, thậm chí ở các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore cũng tìm đến mua. Và chính những người nông dân lam lũ, cứ ngày ngày cặm cụi, đào, đãi không mệt mỏi trên các bãi đá, suối sâu ở Lục Yên đã tạo nên nguồn hàng không bao giờ thiếu cho chợ đá quý.
Ngoài những người kinh doanh đá quý, những thợ chế tác tìm mua nguyên liệu, cũng không ít người nghe tiếng chợ đá quý mà đến đây để xem và mua cho mình sản phẩm đá quý làm kỷ niệm. Người bán, người mua râm ran trong chừng hai ba tiếng đồng hồ thì chợ tan. Theo những người bán hàng thì có phiên người ta mua bán với nhau tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền hàng, nhưng cũng có những phiên ế hàng, giá trị mua bán chỉ tính bằng vài triệu đồng.
Hàng được bày lên mặt bàn thành từng mớ. Hàng là các loại đá quý, đá bán quý các loại. Có thứ đã qua chế tác, có thứ còn để thô nguyên gốc. Nhưng dù ở dạng nào, những thứ hàng được bán ở cái chợ này đều khoe sắc lung linh. Không có cảnh tranh giành, cũng không sợ mất cắp, thậm chí người ta có thể mang viên đá rất giá trị của ai đó đi từ đầu chợ đến cuối chợ để khảo xem đó là hàng thật hay giả mà chủ nhân vẫn vui vẻ.
Những người bán hàng cho biết, đá quý được thu gom của những người đi núi về, có thời gian thì chế tác thành mặt đá cho nhẫn, dây chuyền, hoa tai… Có những thứ để làm nguyên liệu cho làm tranh đá quý, được bán bằng cân, bằng lạng.
Từng viên đá xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen với nhiều kích cỡ vào hình thù khác nhau được săm soi, thẩm định bởi những người sành đá. Giá bán được đưa ra tùy chất theo chất đá. Vài chục ngàn, vài trăm ngàn, hay cả triệu, chục triệu đồng, nhưng bán được, mua được hay không là do quá trình mặc cả.
Đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước có nghề làm tranh đá quý. Tại đây, bạn cũng có thể tìm hiểu về nghề làm đá quý cũng như được thấy những bức tranh quý trị giá vài trăm triệu đồng.
Tranh được chép lại theo một nguyên tác nào đó, cả tranh dân gian lẫn tranh hiện đại. Tất cả màu sắc đều từ đá tự nhiên. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ là màu được nhuộm, nhưng không phải, bởi nếu màu nhuộm, trong lúc gắn đá làm tranh, dung môi của keo 502 sẽ hoà tan tất cả các loại màu nhuộm
Cho đến tận bây giờ, cứ sáng tinh mơ, hàng trăm người dân thị trấn lại lên rừng, lang thang dọc suối, nhặt từng viên đá lộ thiên. Nhặt mãi, đá cũng khan hiếm, họ phải đi sâu vào những hang động, dùng đèn pin soi rồi nhặt.
Nếu được saphia, ruby chính hiệu (to viên, trong suốt, màu chuẩn, không rạn) thì bán kiếm vài trăm triệu, nhưng chủ yếu, họ lại chỉ gặp đá màu, trong đó có cả ruby, saphia cấp thấp, vỡ rạn, nhỏ hạt… thì để mang về làm tranh. Nhiều khi, để tìm được loại đá màu phù hợp (nhất là đá đen để vẽ tóc người, đá xanh để vẽ màu nước…) cũng phải lang thang trên núi cả tháng trời.