Nơi duy nhất ở Việt Nam có gốm định danh quốc tế
(Dân trí) - Vùng đất này là trường hợp duy nhất trên cả nước có thương hiệu gốm trùng khớp hoàn toàn với danh xưng địa phương, một thủ phủ thuộc tỉnh với quy mô dân số lớn nhất Việt Nam.
Ngày 22/12, hội thảo khoa học quốc gia Bảo tồn, phát triển gốm Biên Hòa - Đồng Nai kết hợp khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn TP Biên Hòa đã diễn ra, nhân kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất từng là thủ phủ của phương Nam.
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai chia sẻ, nơi này có rất nhiều tiềm năng để làm du lịch. Ngoài biển, địa phương không thiếu bất kỳ điều kiện cảnh quan tự nhiên nào, như sông, suối, núi, rừng, hồ…
Về giao thông, Đồng Nai có đầy đủ 5 phương thức giao thông. Trong đó ở đường hàng không, sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động (dự kiến năm 2025) sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam. Địa phương cũng có 3 bảo vật quốc gia và 68 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Theo bà Loan, tỉnh Đồng Nai đã xác định phát triển du lịch theo 3 hướng: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh và du lịch gắn với nông nghiệp - nông thôn. Trong đó, đẩy mạnh phát triển việc khai thác làng nghề như gốm, tạo thành điểm đến cho du khách trải nghiệm.
Trình bày tham luận của mình, Giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) cho biết, Việt Nam có khá nhiều thương hiệu gốm sứ truyền thống nổi tiếng, như gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) hay gốm Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương)…
Tuy nhiên, gốm Biên Hòa là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế, với chất liệu men xanh đồng trổ bông đặc trưng. Đây cũng là trường hợp duy nhất trên cả nước có thương hiệu gốm trùng khớp hoàn toàn với danh xưng địa phương, một thủ phủ thuộc tỉnh với quy mô dân số lớn nhất Việt Nam.
Theo Giáo sư Hiền, gốm Biên Hòa có truyền thống hơn 300 năm, lâu đời như lịch sử của chính TP Biên Hòa. Bà cho rằng, du lịch dựa trên di sản văn hóa gốm sứ gắn bó với công nghiệp văn hóa, hướng tới xây dựng TP gốm sứ - sáng tạo có thể giúp Biên Hòa tạo nên hệ sinh thái du lịch độc đáo, giàu sức cạnh tranh so với các điểm đến du lịch làng gốm khác trên cả nước.
Tiến sĩ Tạ Duy Linh và Tiến sĩ Dương Đức Minh, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch nhận định, không gian thực hành du lịch gốm Biên Hòa cần được hiểu là không gian của "ký ức - di sản - bản sắc".
Ký ức tiêu biểu về gốm Biên Hòa xoay quanh câu chuyện sáng tạo nên chất men "xanh đồng trổ bông" có một không hai. Hình ảnh ngoại ốc của chợ Bến Thành (TPHCM) nổi tiếng cũng được trang trí từ gốm Biên Hòa.
Do đó trong bối cảnh hiện nay, đây là nguồn tài nguyên quý giá trong việc khai thác và phát triển du lịch. Các chuyên gia nhận định, để phục hồi, lưu giữ nghề gốm song song với phát triển du lịch cần có sự quy hoạch đồng bộ, vào cuộc của nhiều phía, cũng như có chính sách đào tạo nguồn nhân lực bài bản.
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ông đặc biệt quan tâm nội dung phát triển du lịch dựa trên di sản gốm kết hợp xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo được trình bày tại hội thảo.
Sau quá trình khảo sát, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo đến năm 2025, tỉnh sẽ tổ chức Festival gốm, cũng như đẩy mạnh việc phục hồi, phát triển nghề gốm truyền thống của địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, Hội thảo được tổ chức là dịp để các nhà khoa học, các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành... tập trung thảo luận nhiều vấn đề, như:
Lịch sử hình thành và phát triển và các giá trị đặc trưng của gốm Biên Hòa; kinh tế di sản gắn liền với văn hóa sinh kế trong thực hành tạo tác gốm Biên Hòa; sáng tạo các sản phẩm du lịch gắn với hệ sinh thái gốm Biên Hòa; chính sách và thực tiễn triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch di sản trên địa bàn thành phố Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung; chiến lược và định hướng liên kết phát triển du lịch Biên Hòa trong bối cảnh mới...
Ông Thanh nhận định, gốm Biên Hòa có những giai đoạn phát triển rực rỡ và trở thành động lực trong việc kiến tạo các giá trị văn hóa cho dân tộc, nâng tầm vị thế di sản gốm Việt Nam. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị gốm Biên Hòa là nhiệm vụ thiết yếu, cần được quan tâm nghiên cứu sâu sắc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.