Những sự thật thú vị về tòa nhà cao nhất thế giới
(Dân trí) - Burj Khalifa là tòa nhà chọc trời siêu cao tại “Trung tâm mới” ở Dubai thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hiện là công trình cao nhất thế giới, nơi này cũng là niềm tự hào của Dubai, thể hiện sự phồn vinh giàu có của thành phố này. Đằng sau công trình là những sự thật thú vị ít người biết tới.
Chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 1/2010, Burj Khalifa trở thành công trình cao nhất thế giới, “xô ngã” các kỷ lục trước đó từng được thiết lập. Và đây chính là những điều thú vị liên quan tới tòa tháp này.
Burj Khalifa là tòa nhà cao nhất ở Dubai và trên thế giới, với chiều cao 828m. Chiều cao này nhiều hơn gấp 3 lần so với tháp Eiffel (Pháp) và gần như gấp đôi so với tòa nhà Empire State. Công trình cũng cao hơn khoảng 200m so với công trình ở vị trí thứ 2 là tòa tháp Thượng Hải.
Ngoài giữ kỷ lục là công trình cao nhất thế giới, Burj Khalifa hiện đang nắm giữ các kỷ lục khác, bao gồm:
1. Tòa nhà nhiều tầng nhất: 164 tầng
2. Tòa nhà chọc trời cao nhất tính đến mái: 512m (trước đây là tòa tháp Taipey 101 – 449.2m)
3. Tòa nhà chọc trời cao nhất đến đỉnh: 512,1 m (kỷ lục trước đó là Taipei 101 - 509,2 m
4. Bơm bê tông thẳng đứng (cho một tòa nhà): 512,1 m (trước đây Taipei 101 - 439,2 m)
5. Ban công quan sát cao nhất thế giới
6. Thang máy chạy nhanh nhất thế giới: 64 km/h
Tổng trọng lượng bê tông của công trình tương đương với khoảng 100.000 con voi. Số lượng nhôm sử dụng trong tòa nhà tương đương với 5 chiếc máy bay A380.
Thang máy trong tòa nhà có tốc độ chạy nhanh hàng đầu thế giới (tốc độ 10m/s). Như vậy, du khách chỉ mất khoảng 1 phút để đi từ tầng 1 tới đài quan sát ở tầng thứ 124.
Vào thời gian cao điểm xây dựng tòa tháp, khoảng 12.000 công nhân cùng làm việc tại tòa nhà mỗi ngày. Burj Khalifa tiêu tốn 110.000 tấn bê tông, 55.000 tấn thép xây dựng và 22 triệu giờ làm việc của công nhân.
Bắt đầu chính thức khởi công từ tháng 1/2004, 6 năm sau, niềm tự hào của Dubai - Burj Khalifa chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 1/2010.
Mẫu thiết kế của Burj Khalifa được lấy cảm hứng từ hoa hymenocallis. Loài hoa này thường thấy ở khu vực nhiệt đới, có cánh dài mở rộng từ trung tâm. Các cạnh xung quanh tòa tháp mọc ra từ khu trung tâm tựa như những cánh hoa hymenocallis.
Samsung Engineering and Construction – nhà thầu xây dựng đến từ Hàn Quốc là đơn vị tiến hành xây dựng tòa tháp Burj Khalifa. Đây cũng là tập đoàn từng xây dựng tòa tháp đôi Petronas Malaysia và tòa tháp 101 Đài Bắc (Đài Loan).
Do chịu ảnh hưởng của khí hậu sa mạc nên nhiệt độ ở Dubai rất khắc nghiệt. Tòa tháp có thể chịu được mức nhiệt lên tới 120 độ C và bao phủ bởi hơn 24.000 tấm cách nhiệt. Ngoài ra, tầng cao nhất và tầng thấp nhất cũng có sự chênh lệch nhiệt độ lớn, lên tới 15 độ C. Vào ngày sương mù, người làm việc ở tầng cao thậm chí không nhìn thấy bên dưới thành phố.
Người ta còn lắp đặt 360.000 bóng đèn để chiếu sáng trong và ngoài tòa nhà. Vào ban đêm, tòa tháp tỏa sáng lộng lẫy và rực rỡ. Để làm mát bên ngoài, tòa nhà cũng tiêu tốn tới 1.100 m3 nước mỗi ngày.
Việt Hà
Theo BI, WK