Những lệnh cấm “lạ” thời Lý Quang Diệu
Mong ước một Singapore hoàn hảo, xanh sạch, biến một làng chài nhỏ thành đảo quốc phú cường, chính quyền thời Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa ra những biện pháp hết sức cứng rắn và nhiều lệnh cấm "lạ" như cấm nhai kẹo cao su.
Người nước ngoài tới Singapore không chỉ biết đây là đảo quốc nhỏ có phép màu kinh tế, từng là thuộc địa của Anh, mà còn hiểu rất rõ nếu nhai hay nhả kẹo cao su ở nơi công cộng sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị đánh bằng roi tre.
Trong thực tế, việc sở hữu kẹo cao su hay nhai nó không bị coi là trái phép tại Singapore. Hành động bị coi là phạm pháp - bắt đầu từ năm 1992 - là buôn bán hay nhập khẩu mặt hàng này. Quyết định đưa ra bắt nguồn từ việc ảnh hưởng của nó với hệ thống tàu điện ngầm rất đắt tiền vừa được xây dựng khi đó. Bã kẹo cao su đã bịt kín các cửa cảm ứng, hay đơn giản là dính đầy ghế ngồi.
Khi lệnh cấm được ban hành, thậm chí trong trường hợp lần đầu tiên vi phạm, người ta có thể phải nộp phạt lên tới 100.000 đô la Singapore và chịu án 2 năm tù.
Kết quả là lệnh cấm có tác dụng lập tức. Chỉ trong ít tháng, kẹo cao su dường như biến mất khỏi Singapore. Đến năm 2004, lệnh cấm này được nới lỏng một chút khi Singapore cho phép lưu hành loại kẹo cao su không đường vì mục đích y tế.
Tuy nhiên, khi khách muốn mua phải tìm đến đúng hiệu thuốc, cung cấp đủ tên và chứng minh thư. Còn các dược sỹ cũng dễ dàng bị bỏ tù đến 2 năm cùng một khoản tiền phạt tới 1.600 đô la nếu vi phạm một trong những quy định khắt khe trong điều lệ kinh doanh mặt hàng này.
Dĩ nhiên, kẹo cao su không phải là mục tiêu duy nhất. Bạn có thể bị đánh bằng gậy tại đảo quốc này nếu như là nam giới và dưới 50 tuổi. Hình phạt được áp dụng cho khá nhiều tội bao gồm cả các "lỗi nhỏ" như hành động cố ý phá hoại hay làm hư hỏng công trình nghệ thuật, tài sản công, thắng cảnh... hay đơn giản là quá hạn visa.
Những hành vi như khạc nhổ chất nhầy ra đường phố và các địa điểm công cộng cũng bị coi là phạm pháp với mức phạt cho lần đầu vi phạm là 2.000 đô la Singapore, và mức phạt lên tới 10.000 đô la nếu vi phạm lần thứ ba. Người vi phạm còn phải mặc một chiếc áo màu xanh và làm vệ sinh trên đường phố.
Các nội dung khiêu dâm cũng bị coi là vi phạm pháp luật ở đảo quốc này, bao gồm cả tạp chí Playboy. Các tạp chí được cho là làm lây lan ảnh khỏa thân đã bị cấm ở đây từ năm 1982.
Theo Thái An
Vietnamnet/Guardian