Những điều bí ẩn về 5 pho tượng độc đáo nhất Việt Nam

(Dân trí) - Không ít du khách sẽ phải ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam có những bức tượng vô cùng kỳ lạ, có thể đứng lên, ngồi xuống hoặc nhìn y hệt người thật. Bên cạnh đó, các bức tượng này cũng gắn với câu chuyện có thật trong lịch sử, mang đậm tính cách và văn hóa Việt.

Bức tượng Phật ngự trên lưng Vua

Ai từng đến chùa Hòe Nhai (Hà Nội), chắc chắn đã nhìn thấy bức tượng đôi tạc hình ảnh một nhà vua mặc triều phục đang quỳ gập người, trên lưng là pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen. Theo sư trụ trì tại chùa, bộ tượng có chiều cao tổng thể là 1,78m, được phủ sơn son thiếp vàng và có nguồn gốc từ thế kỷ 17, 18.

Pho tượng được đặt bên trái chính điện.
Pho tượng được đặt bên trái chính điện.

Về bức tượng, có câu chuyện kể rằng, năm 1675, khi vua Lê Hy Tông lên nắm quyền đã ra chính sách hạn chế Phật giáo, đuổi hết sư sãi lên rừng, ai ngoan cố sẽ bị khép vào trọng tội đem ra xử trảm. Phật giáo lúc đó rơi vào thảm cảnh. Nhiều người không chịu được đói rét đã cởi áo cà sa quay về kiếp phàm trần.

Không cam tâm chịu kiếp nạn đó, một trong số những hòa thượng đắc đạo có pháp danh là Tông Diễn đã tìm cách trở lại kinh thành Thăng Long, quyết tâm tìm gặp vua Lê Hy Tông để cứu lại niềm tin Phật pháp. Tông Diễn phải cải trang, sau đó giả vờ dâng tặng nhà vua một viên ngọc quý, nhưng thực chất bên trong là tờ sớ được viết bằng tất cả tâm huyết.

Vua sau khi đọc hết bức sớ, trong giây lát như bừng tỉnh, thoát khỏi cơn mộng mị. Ngài liền lập tức cho triệu ngay Tông Diễn vào triều, cúi mình tạ lỗi trước nhà sư, sau đó thu hồi sắc lệnh cấm Phật giáo và hứa sẽ sửa mình.

Pho tượng như người thật

Hiện tại, trong gian Quan âm chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) đang trưng bày pho tượng hòa thượng Thích Thanh Tứ - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Pho tượng gây sự tò mò cho du khách thập phương bởi kích cỡ và hình dáng y như người thật.

Được biết, bức tượng do các tăng ni, phật tử Thái Lan hiến tặng và được làm trong 1 năm. Năm 2008, nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc tại Hà Nội, đoàn Phật giáo Thái Lan đã đến thăm chùa Quán Sứ, gặp hòa thượng Thích Thanh Tứ và có tâm nguyện muốn tạc tượng hòa thượng.

Pho tượng được đưa về chùa vào dịp lễ Tiểu tường - một năm ngày hòa thượng viên tịch.
Pho tượng được đưa về chùa vào dịp lễ Tiểu tường - một năm ngày hòa thượng viên tịch.

Khi diện kiến, nhiều phật tử đã bật khóc bởi quá xúc động. Tượng được làm bằng sáp nhưng mỗi đường nét trên khuôn mặt nhìn giống hệt người thật. Từ đôi lông mày, mũi, miệng, nếp nhăn hai bên khóe mép, nếp nhăn cuối má, những đường gân hay nếp nhăn trên cổ... đều trông như của người sống. Bàn tay trái bức tượng đang lần tràng hạt, nét gân nổi xanh, bàn chân cũng được tạo ngón rất chân thật.

Bức tượng biết đứng lên, ngồi xuống

Nhiều người sẽ rất tò mò khi thấy bức tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương ở miếu Bảo Hà (Hải Phòng) biết… chuyển động. Tượng có thể đứng lên một cách nhẹ nhàng, khoan thai rồi lại từ từ ngồi xuống. Đây được xem là bức tượng độc đáo, hiếm gặp nhất trong số những bức tượng hiện có ở Việt Nam.

Bức tượng tạc Đức Linh Lang Đại vương có tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự.
Bức tượng tạc Đức Linh Lang Đại vương có tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự.

Bí mật về sự chuyển động của bức tượng nằm ở cánh cửa ngay điện thờ. Khi mở cửa, tượng sẽ dần đứng lên, nhưng khi khép lại thì tượng lập tức trở về tư thế ngồi ban đầu. Đây là sự sáng tạo “độc nhất vô nhị” của các nghệ nhân khi kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối.

Người dân ở vùng này coi bức tượng gần 700 tuổi như một báu vật và là biểu tượng của ngôi làng truyền thống.

Tượng Đức Ông có một chân trần

Chùa Bộc thuộc Khương Thượng (quận Đống Đa) là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội và được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Trong tòa tam bảo, phía gian bên phải có một ban thờ Đức Ông từ xa xưa đã mang nhiều bí mật.

Đức Ông ngồi giữa có một chân trần.Ở ban thờ này có tới 3 vị Đức Ông. Trong đó, tượng Đức Ông to hơn ngồi cao hơn một bậc, ở phía dưới có hai tượng ngồi. Pho tượng Đức Ông ngồi trên lại đội mũ xung thiên, một chân để trong hài, một chân để ở ngoài dáng vẻ rất thoải mái.
Đức Ông ngồi giữa có một chân trần.Ở ban thờ này có tới 3 vị Đức Ông. Trong đó, tượng Đức Ông to hơn ngồi cao hơn một bậc, ở phía dưới có hai tượng ngồi. Pho tượng Đức Ông ngồi trên lại đội mũ xung thiên, một chân để trong hài, một chân để ở ngoài dáng vẻ rất thoải mái.

Ngài mặc áo ngoài có thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai trông rất oai nghiêm. Đây là điều hiếm thấy trong các pho tượng thờ Đức Ông ở các ngôi chùa khác. Cho đến nay, cũng không ai biết được chùa được xây dựng từ thời nào.

Tượng Phật phát quang

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là ngôi chùa đẹp nhất, lớn nhất 3 trong ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng. Linh Ứng Bãi Bụt nằm ở lưng chừng núi Sơn Trà với bức tượng Phật Bà cao 67m, đường kính tòa sen 35m (tương đương với tòa nhà 30 tầng) nhìn ra biển.

Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau. Tương truyền, vào thời vua Minh Mạng, dân chài nơi đây đã phát hiện tượng trên bãi cát và lập am thờ tự. Nhờ vậy, Đức Quan Thế Âm đã cứu khổ, cứu nạn, giúp sóng yên biển lặng để dân chài yên ổn làm ăn.

Tượng Phật Bà ở chùa Linh Ứng.
Tượng Phật Bà ở chùa Linh Ứng.

Năm 2008, có một nhà điêu khắc được mời về để chỉnh sửa lại tượng. Gần giờ Ngọ trưa hôm đó, khi người này mở mặt Phật ra thì bất ngờ trên bầu trời trong xanh xuất hiện quầng hào quang 7 sắc rất lạ. Hào quang che kín cả mặt trời, kéo dài suốt một giờ đồng hồ. Hiện tượng tương tự như vậy còn xảy ra thêm 13 lần sau đó.

Lý giải theo khoa học, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện – trụ trì chùa cho rằng, đây là hiện tượng khúc xạ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, với 13 lần xuất hiện như thế quả là một hiện tượng hiếm. Còn theo một số chuyên gia ở Viện Vật lý địa cầu Việt Nam thì vầng hào quang quanh mặt trời là hiện tượng khúc xạ gần giống như cầu vồng.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp