Những điểm “check-in” lý tưởng dịp lễ 30/4 và 1/5 tại Quảng Nam
(Dân trí) - Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày nên rất thuận lợi để lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi hấp dẫn, thú vị. Hãy cùng tham khảo gợi ý về những địa điểm lý tưởng để ăn chơi thả ga tại Quảng Nam trong dịp lễ này.
1. Hội An
Nổi bật trên cung đường du lịch miền Trung, phố cổ Hội An như một bức tranh mộc mạc, giản dị và nên thơ. Dù là ngày hay đêm, du lịch Hội An vẫn mang trong mình những vẻ đẹp lôi cuốn khác nhau.
Đi dạo phố cổ về đêm, khám phá phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, thưởng thức cao lầu, ghé thăm các làng nghề nổi tiếng, khu sinh thái du lịch vườn dừa… là những trải nghiệm khó quên khi đến thăm mảnh đất từng là “thương cảng phồn vinh bậc nhất Đông Nam Á” này.
2. Cù Lao Chàm
Dù được coi là một hòn ngọc thô, nhưng Cù Lao Chàm đã và đang trở thành điểm đến cực kỳ hấp dẫn đối với rất nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Hội An.
Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật phong phú. Những bãi cát dài trắng mịn, rạn san hô đầy màu sắc rực rỡ… chờ bạn khám phá
Đảo Cù Lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp, TP Hội An, cách biển Cửa Đại 15 km. Nơi đây gồm 8 đảo là Hòn Lao, Dài, Mồ, Khô Mẹ, Khô Con, Lá, Tai, Ông.
Cù Lao Chàm được mẹ thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh mộc mạc, hoang sơ và những bãi biển rộng lớn lung linh dưới ánh nắng vàng, cùng với hệ sinh thái động thực vật phong phú nên từ lâu Cù Lao Chàm đã là một điểm đến quyến rũ mà du khách lựa chọn dừng chân.
3. Làng bích họa Tam Thanh
Cách Hội An 40km theo đường biển, là làng bích họa đầu tiên của Việt Nam tại xã Tam Thanh (thuộc TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Mô hình là dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc - Việt Nam do TP Tam Kỳ và quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (The Korea Foundation-KF) đồng tổ chức và thực hiện.
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh sinh động khắc họa cuộc sống thường nhật của người dân ven biển do các họa sĩ Hàn Quốc thể hiện trên bức tường của hơn 100 ngôi nhà trong làng.
Hàng rào và lối đi được các họa sĩ trang trí bằng những hình vẽ, họa tiết với màu sắc rực rỡ. Từng con đường nhỏ dẫn ra biển bỗng trở nên thơ mộng lạ kỳ. Cuộc sống của người dân nơi đây dường như trở nên nhẹ nhàng thư thái hơn bao giờ hết, khác hẳn gam màu trầm lam lũ của làng chài ven biển trước kia.
4. Xã đảo Tam Hải
Xã đảo Tam Hải là một địa điểm lý tưởng mà bạn không thể bỏ qua trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 này. Cách TP Tam Kỳ khoảng 40km về phía Đông Nam (thuộc huyện Núi Thành, Quảng Nam), xã đảo Tam Hải được biển bao bọc nên người dân luôn hưởng thụ cuộc sống êm đềm.
Đảo Tam Hải tách biệt với thế giới bên ngoài bởi dòng Trường Giang thơ mộng. Muốn đến đây, bạn có thể đi bằng thuyền máy từ xã Tam Tiến sang theo hướng Bắc hoặc đi dọc Quốc lộ 1 rồi rẽ về phía biển chừng 10 km, qua một con phà ở cửa sông Kỳ Hà.
Đảo Tam Hải như hòn ngọc quý ẩn mình trong lớp vỏ còn chưa được mài giũa chỉn chu. Nhưng có lẽ vì thế, vẻ đẹp hoang sơ của nó lại hấp dẫn những người ưa khám phá và thích cảm giác mới mẻ. Người dân đảo sống hiền hòa và bình yên dưới những rặng dừa xanh nghiêng nắng soi bóng nước mênh mông.
5. Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), cách Đà Nẵng 70km. Khu Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong thung lũng có đường kính khoảng 2km, xung quanh là đồi núi. Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1999.
Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chăm Pa. Mỗi vị vua sau khi lên ngôi đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật và xây dựng đền thờ.
Mỹ Sơn là điểm duy nhất của nghệ thuật Chăm có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Vào những năm 700, vua Sambhuvarman xây dựng ngôi đền bằng những vật liệu rất bền vừng, còn tồn tại đến ngày nay.
6. Địa đạo Kỳ Anh
Đây là điểm tham quan mà du khách không thể bỏ qua trong chuyến hành trình tham quan địa chỉ đỏ tại Quảng Nam trong dịp 30/4-1/5 này.
Địa đạo Kỳ Anh là tên gọi của hệ thống địa đạo xã Kỳ Anh (thuộc xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam ngày nay), là một trong những di tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị) và Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), địa đạo Kỳ Anh ra đời trong bối cảnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất.
Địa đạo Kỳ Anh là mồ hôi, công sức của quân và dân địa phương, địa đạo có tổng chiều dài khoảng 32km, chiều rộng từ 0,5-0,8m, chiều cao khoảng 0,8-1m, chiều dài các đoạn tùy theo địa thế của mỗi thôn; trong lòng địa đạo có nơi hẹp phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo dùng hơi cay hay lựu đạn ném vào…
Địa đạo Kỳ Anh có hình dạng ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy men theo các lùm cây, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp xóm trong toàn xã; trong đó quy mô và sử dụng địa đạo có hiệu quả nhấ là ở thôn Thạch Tân và Vĩnh Bình.
7. Tượng đài Mẹ Thứ
Tượng đài Mẹ Thứ nằm trên diện tích 15ha, thuộc khu vực núi Cấm, xã Tam Phú (Tam Kỳ). Phía trước tượng là quảng trường tiền môn với 30 ngọn đèn đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ chờ đợi ngày giải phóng.
Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Mẹ có 9 con trai, 1 con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ.
Bên trong khối tượng có diện tích 400m². Dự kiến nơi đây sẽ có bia ghi danh gần 50.000 bà Mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước.
Quần thể kiến trúc tượng đài còn gồm 8 trụ huyền thoại ở hai bên cổng vào, mỗi trụ cao 11,2m, đường kính hơn 1,2m làm bằng đá hoa cương. Trên 8 trụ khắc họa hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên với nhiều bậc cảm xúc và khuôn mặt khác nhau. Trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều bà mẹ của các anh hùng nhất với 11.234 người.
N.Linh