Những chuyện bi hài sau con ngõ nhỏ nhất Hà Nội

(Dân trí) - Trước kia, nếu những gia đình sống trên tầng 2 có người chết thì phải bó lại rồi trượt theo tấm liếp xuống tầng một, còn ngày nay, hễ gần tắc thở là phải lập tức cõng ra nhà tang lễ. Đó là một trong những câu chuyện đằng sau con ngõ 14 Ngõ Gạch.

Tôi tìm đến con ngõ 14 trên phố Ngõ Gạch – Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào thời điểm đầu giờ chiều. Lúc này, một không gian yên tĩnh bao trùm lên toàn bộ con ngõ. “Ngõ hẹp nhất thủ đô”, đó là biệt danh mà người dân nơi đây đặt cho con ngõ. 
 
Quả đúng như vậy, con ngõ này có bề rộng chỉ chưa đầy 50 cm. Nhìn từ ngoài đường vào, nhiều người sẽ nghĩ đó là một cái khe giữa hai ngôi nhà chứ không thể tưởng tượng rằng đằng sau đó lại là nơi sinh sống của hàng chục con người.

Hình ảnh chật hep và tối tăm của con ngõ.

Hình ảnh chật hẹp và tối tăm của con ngõ.

Bởi diện tích quá chật hẹp mà toàn bộ xe máy của các hộ gia đình sinh sống sau con ngõ đều phải đem đi gửi. Đối với những chiếc xe đạp, muốn đi được vào trong ngõ, người ta chỉ có cách ngồi lên xe và dùng hai tay vịn bên bờ tường đẩy xe đi vào. Nếu có hai người cùng đi ngược chiều thì một trong hai phải... bỏ cuộc.

Hiện tại, sau con ngõ chật hẹp nhất thủ đô này có tới 10 hộ gia đình sinh sống. Họ đều là thế hệ sau của những gia đình từng sống hàng trăm năm ở đây. Vì quá chật hẹp nên cuộc sống của những người dân sau con ngõ này gặp rất nhiều phiền toái. Tại khu cung cấp nước chính cho cả xóm chỉ rộng khoảng 2 m2. Ở đây, mỗi hộ gia đình đều có có một cái khóa, khi dùng nước thì mở, xong lại khóa vào.

Phần không gian được cho là thoáng đãng nhất của con ngõ.

Phần không gian được cho là thoáng đãng nhất của con ngõ.


Anh Nguyễn Văn Khánh, một người dân sinh sống trong con ngõ này cho biết thêm: “Những vật dụng lớn như giường tủ, bàn ghế, muốn cho vào nhà thì chúng tôi phải tháo rời ra mới khiêng vào được. Sống tại đây, rất hiếm khi chúng tôi mời bạn bè vào chơi bởi chật chột không biết ngồi vào đâu.”

Theo chân anh Khánh, tôi đi lên tầng 2 của căn biệt thự cổ nằm sâu trong con ngõ. Những bước chân của tôi dần chậm lại bởi một màu đen tối bao trùm lên toàn bộ khu cầu thang. Vịn tay vào tường, tôi lần mò bước đi từng bước và điều tôi không thể ngờ rằng có tới 5 hộ gia đình hiện đang sinh sống trên tầng hai này. Cái gọi là "nơi ăn chốn ở" của họ là những căn phòng bằng gỗ, ván ép đã mấy chục năm nay, đêm cũng như ngày phải bật điện.

Những bậc cầu thang dẫn lên gác 2 của con gõ đượcbao trùm một màu đen.

Những bậc cầu thang dẫn lên gác 2 của con ngõ được bao trùm một màu đen.
 
Trò chuyện với bà Nga, người đã có hơn 30 năm sống ở gác hai của con ngõ này, tôi đã được nghe thêm những câu chuyện tưởng như không bao giờ có thật. Bà Nga kể: “Trước kia, nếu những gia đình sống trên tầng 2 có người chết thì phải bó lại rồi trượt theo tấm liếp đẩy xuống tầng một. Còn ngày nay, hễ gần tắc thở là phải lập tức cõng ra nhà tang lễ.
 
Nếu lỡ chết trước khi ra khỏi ngõ, thì người nhà phải cõng xác chết ra nhà tang lễ hay nhà xác bệnh viện. Cũng có trường hợp, để đưa được người chết ra ngoài, người nhà phải bạt tường bởi ngõ quá hẹp, quan tài không vào không ra được”.

Vết tích của việc vạt tường để đưa xác người chết ra ngoài.

Vết tích của việc vạt tường để đưa xác người chết ra ngoài.

Chật vật không kém chuyện ma chay đó là mỗi lần trong xóm có đám cưới, đám hỏi. Hầu hết mọi người đều chọn cách thuê địa điểm ngoài để tổ chức, có làm cũng chỉ là mâm cơm cúng trên bàn thờ.

Dù diện tích của ngõ cũng như nhà ở của các hộ gia đình trong con ngõ 14 Ngõ Gạch rất chật hẹp nhưng những việc cãi cọ hay xích mích được những người ở đây hạn chế tới mức tối thiểu. Sống cùng với nhau bao đời nay, cùng chung cảnh chật chột nên họ có thể dễ dàng hiểu và thông cảm cho nhau.

Nhữ Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm