Những cây cầu rễ cây đáng kinh ngạc ở Ấn Độ

(Dân trí) - Để vượt qua những dòng sông cuồn cuộn chảy ở vùng Meghalaya, người dân nơi đây đã tìm ra một giải pháp thông minh là thuần hóa rễ cây thành những cây cầu sống, vững chắc.

Khổ vì mưa

Tại đông bắc Ấn Độ, gần biên giới Bangladesh, bang Meghalaya toàn núi non xanh rì với những rừng cây nhiệt đới rậm rạp và năm nào cũng mưa nhiều. Làng Mawsynram là nơi có lượng mưa tới 11.873mm mỗi năm, đoạt danh hiệu "nơi ướt át nhất Trái Đất". Tuy mưa khiến vạn vật sinh sôi nảy nở song hiện tượng thiên nhiên này lâu nay cũng gây khó chịu cho người Khasi bản địa nơi đây, những người sống sâu trong các khu rừng rậm Meghalaya.

Làng Mawsynram nổi tiếng nhiều mưa

Làng Mawsynram nổi tiếng nhiều mưa

Trong mùa mưa từ tháng Sáu tới tháng Chín, những dòng nước cuồn cuộn sau các cơn mưa như trút đổ xuống các thung lũng sâu ở bang này, khiến người dân không thể lội bộ qua lại hai bên bờ dòng chảy được.  Những ngọn núi ở Meghalaya là chướng ngại vật đầu tiên cản gió mùa mang theo hơi ẩm từ Vịnh Bengal thổi lên phía bắc và sang các bình nguyên của Bangladesh. Những ngọn gió thổi qua các thung lũng hẹp, đập vào vách núi và nhanh chóng bốc lên độ cao cao hơn, do đó gây tụ nước và đổ mưa ào ạt. Mưa lớn trút nước xuống các dòng sông, tạo thành những thác nước đổ xuống triền núi.

Những thác nước lớn 

Những thác nước lớn 

Trước đây, thổ dân Khasi thường làm cầu tre vượt suối. Nhưng những cây cầu như thế không trụ được qua những trận mưa dữ dội, nhanh chóng bị mục gẫy khiến người ta không thể qua lại hai bên bờ.

Giải pháp tuyệt vời

Khoảng 180 năm trước, các bô lão Khasi tìm đến một giải pháp khác. Rễ cây cao su được luồn vào trong các ống rỗng làm từ thân cây cau, mọc dài ra giữa sông. Các rễ cây được chăm chút cẩn thận trong nhiều năm, cho tới khi chúng mọc sang được tới bờ bên kia và tạo thành bộ khung, rồi dần dần thành cây cầu đủ chắc chắn cho con người đi qua.  Có thể phải mất từ 15 đến 20 năm để tạo dựng được một mạng lưới chắc, khỏe các cây cầu làm từ rễ cây nối liền hai bờ sông. Khác với cách xây dựng truyền thống, cầu rễ cây ở Meghalaya thì ngày càng trở nên vững chắc hơn và không bao giờ cần phải bảo dưỡng hay xây lại. Những cây cầu khỏe nhất đã có trên 100 năm tuổi.

Cây cầu bằng rễ cây độc đáo

Cây cầu bằng rễ cây độc đáo

Tuy nhiên, trong 25 năm qua, việc làm cầu từ cây sống đang dần mai một. Thay vì bỏ ra nhiều năm để hình thành các cây cầu như thế, thợ xây ngày nay áp dụng các biện pháp xây dựng hiện đại, dùng cáp thép để bắc cầu qua sông suối ở Meghalaya. 

Cầu bằng rễ cây rất vững chắc và không cần bảo dưỡng

Cầu bằng rễ cây rất vững chắc và không cần bảo dưỡng

Song ngày nay vẫn còn nhiều cây cầu làm từ cây sống bắc ngang dọc khắp các thung lũng Meghalaya mà người Khasi sinh sống, nhưng tuyệt vời nhất và có lẽ cũng là nổi tiếng nhất là cầu hai tầng Umshiang hơn 180 năm tuổi. Cầu này nằm ngay bên ngoài Nongriat, một ngôi làng nhỏ chỉ có thể tới được bằng cách đi bộ, cách thị trấn Cherrapunji 10km về phía nam. Hai tầng cầu bắc ngang sông Umshiang, và dân làng đang làm thêm tầng thứ ba với hy vọng sẽ hấp dẫn thêm nhiều du khách.

Cây cầu rễ cây hai tầng Umshiang đã hơn 180 năm tuổi

Cây cầu rễ cây hai tầng Umshiang đã hơn 180 năm tuổi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm