Những bí mật về lăng mộ của vị hoàng để giỏi nhất Mông Cổ
(Dân trí) - Xác định được vị trí lăng mộ của vị Hoàng Đế vĩ đại nhất Trung Hoa không chỉ hé lộ nguyên nhân cái chết của ông mà còn mang ý nghĩa chính trị không nhỏ với đất nước Mông Cổ, bởi người Trung Quốc luôn coi ông là một phần lịch sử của họ.
Xác định được vị trí lăng mộ của vị Hoàng Đế vĩ đại nhất Trung Hoa không chỉ hé lộ nguyên nhân cái chết của ông mà còn mang ý nghĩa chính trị không nhỏ với đất nước Mông Cổ, bởi người Trung Quốc luôn coi ông là một phần lịch sử của họ.
Thành Cát Tư Hãn (Chinghis Khan), người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sinh năm 1162, mất năm 1227. Ông là một vị Hoàng Đế vĩ đại, với chiến thuật siêu đẳng, sự hoàn hảo của chiến lược chiến tranh, ông đã thành lập nên đế chế Mông Cổ rộng tới 31 triệu cây số vuông trải dài từ Châu Á sang tới tận Châu Âu.
Thành Cát Tư Hãn – vị Hoàng Đế vĩ đại bậc nhất trong lịch sử.
Thành Cát Tư Hãn luôn được người đời xưng tụng như một nhà lãnh đạo lỗi lạc và quan trọng trong lịch sử thế giới, người đã có công loại bỏ hàng thế kỷ giao tranh, mang lại sự ổn định về chính trị và kinh tế cho khu vực Á – Âu.
Sân bay Chinghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) ở Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ.
Đã gần 1000 năm trôi qua kể từ ngày Thành Cát Tư Hãn qua đời, những bí ẩn về lăng mộ của vị Hoàng Đế đã chinh phục một phần không nhỏ diện tích địa cầu luôn là mục tiêu tìm kiếm của của các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu. Đơn giản bởi vì việc tìm ra mộ Thành Cát Tư Hãn sẽ là một phát kiến khảo cổ lớn của nhân loại. Từ đó, các nhà khoa học sẽ biết được nguyên nhân cái chết của ông, ngoài ra nó còn mang một ý nghĩa chính trị không nhỏ với đất nước Mông Cổ bởi người Trung Quốc “tham lam và to mồm” luôn coi ông là một phần lịch sử của họ.
Tượng đài Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ.
Trải qua bao biến động, lăng mộ của vị Hoàng đế vĩ đại vẫn đang được bao phủ bởi một màn sương thần bí. Có giả thuyết cho rằng Thành Cát Tư Hãn chết trong lãnh thổ xứ Tây Hạ vì bệnh tật. Còn theo ghi chép của nhà thám hiểm Marco Polo thì thi hài vị Hoàng Đế được an tán ở vùng núi Altai. Một số chuyên gia khác lại cho rằng, nên tìm kiếm mộ Thành Cát Tư Hãn tại Tuva, quê hương ông hoặc tại vùng tây bắc Mông Cổ (khu vực hồ Khuvsgul - là nơi sinh sống của người Tuva bản địa…
Núi Altai, một trong những nơi được cho là an táng vị Hoàng Đế Mông Cổ.
Hồ Khuvsgul vùng Tuva, quê hương vị Đại Hãn.
Người Mông Cổ còn lưu truyền một truyền thuyết khác nói rằng vị Đại Hãn đã yêu cầu được chôn cất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Trong thời gian diễn ra lễ an táng, binh lính đã sát hại tất cả những người tình cờ chứng kiến sự kiện này. Sau đó tới các nô lệ đào mộ, các binh lính trông coi và cả những đao phủ đã sát hại họ cũng đều bị chung số phận. Sau khi việc chôn cất hoàn thành, binh lính cho ngựa quần thảo bên trên cho đến khi không còn dấu vết, thậm chí một con sông đã được nắn dòng để không ai có thể tìm ra dấu tích của mộ, đảm bảo cho sự an nghỉ vĩnh viễn của vị Hoàng Đế.
Vùng núi Khentii, nơi được coi là nhiều khả năng có lăng mộ vị Hoàng Đế vĩ đại.
Thậm chí còn có một điển tích nữa kể rằng, mộ của Thành Cát Tư Hãn thật ra đã bị khai quật chỉ 30 năm sau cái chết của ông. Theo câu chuyện này, một con con lạc đà con đã được bí mật chôn cùng với vị Hoàng Đế, và sau đó người ta tìm thấy lạc đà mẹ đang khóc lóc tại vị trí lăng mộ tưởng như đã được xoá sạch dấu vết.
Đỉnh núi Khentii với băng tuyết bao phủ.
Đó là truyền thuyết. Các nhà khoa học lại tập trung vào giả thiết mang tính logic hơn là Thành Cát Tư Hãn được chôn cất tại khu vực sinh sống của các bộ lạc trung thành với ông. Dựa vào nhận định trên, một đội thăm dò quốc tế bao gồm các nhà khoa học Mỹ và Mông Cổ đã tập trung sự chú ý vào vùng núi Khentii, gần với sông Onon - lãnh địa bí ẩn suốt gần 1000 năm qua nằm ở phía đông bắc Mông Cổ (gần biên giới với Nga).
Con sông Onon, chảy qua vùng núi Khentti
Có những lúc, vì nhiều lý do khác nhau như sự ngăn cấm của chính phủ Mông Cổ, những sự cố bất hạnh mang tính thần bí được lý giải như là lời nguyền từ lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn khiến công việc phải ngừng lại, nhưng rồi nó lại được tiếp tục. Và đến thời gian gần đây, các nhà khoa học, với sự hỗ trợ của các nhà khảo cổ học nghiệp dư tin rằng họ đang đến gần với việc tìm được phần mộ của Thành Cát Tư Hãn. Họ đã tìm kiếm hơn 84.000 ảnh vệ tinh, sử dụng máy bay không người lái để chụp ảnh từ trên cao các khu vực nghi ngờ là lăng mộ với sự giúp đỡ của hơn 10.000 tình nguyện viên. Một diện tích 6000 km vuông đã được khoanh vùng tìm kiếm. Trong một bài đăng trên tạp chí Public Library of Science One, họ tuyên bố đã xác định được 55 địa điểm khảo cổ tiềm năng có thể có hài cốt của Thành Cát Tư Hãn.
Bất chấp mọi cố gắng, thành quả của công cuộc khảo cổ cũng mới chỉ dừng lại ở mức phát hiện ra những phần móng của các công trình xây dựng quy mô lớn trong khoảng thời gian các thế kỷ XIII-XVI. Cụ thể là các nhà khảo cổ học đã tìm ra một số lượng lớn các cổ vật khá đa dạng như các đầu mũi tên, các sản phẩm gốm, mộ binh lính… Kết quả được mong chờ, đó là dấu vết của nơi mai táng thì chưa bao giờ có.
Hài cốt được cho là của những người tham gia việc xây dựng lăng mộ Đại Hãn.
Dù thế nào thì những câu truyện thần bí nửa hư nửa thực chẳng thể ngăn nổi những kẻ tìm kiếm vinh quang. Vinh quang đối với những kẻ săn tiền – đó là vàng bạc châu báu, còn đối với những nhà khảo cổ - đó là ước mong khám phá cuộc đời và cái chết của vị Hoàng Đế vĩ đại nhất thế giới. Chính vì vậy công cuộc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn chưa bao giờ tắt lửa nhiệt huyết trong trái tim của những nhà khoa học, bất chấp thời tiết khắc nghiệt trên thảo nguyên Mông Cổ (dao động từ -40 đên 38 độ). Hy vọng rằng việc tìm thấy lăng mộ sẽ hé lộ cho chúng ta những điều bí ẩn còn bao phủ xung quanh vị Hoàng Đế vĩ đại này.
Thảo Nguyên
Tổng hợp