Người Việt đang tự làm xấu hình ảnh của chính mình?
(Dân trí) - Những hiện tượng xấu xí của một bộ phận du khách Việt được phản ánh trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng không ít đến hình ảnh quốc gia, một số người cho rằng đây là... nỗi nhục quốc thể.
Đã đến lúc phải điểm mặt chỉ tên cái xấu, gọi chung là văn hóa du lịch của người Việt để sửa đổi và có những chuẩn mực thực hiện. Muộn còn hơn không, vì càng để lâu, “bệnh” càng biến chứng nguy hiểm.
Theo một số liệu thống kê, năm 2015, có khoảng 45 triệu người Việt Nam đi du lịch và hơn 6 triệu người ra nước ngoài. Nhiều người lần đầu đi chơi xa, thiếu sự tư vấn hướng dẫn, nên vẫn hồn nhiên mang theo những thói quen tự nhiên ở nhà.
Những tật xấu ấy có thể đơn cử như việc người Việt mặc đồ ngủ khi ra khỏi nhà, thậm chí xuống cả hồ bơi, ra bãi biển, đi chợ, đi dạo ở nước ngoài.
Có người còn cởi trần ra phố coi cả thế giới như là ở nhà mình khiến người Việt trong đoàn còn khó chịu chứ chưa nói tới người nước ngoài. Tiếp tới là Đó là vấn đề ngôn từ, đầu tiên là việc nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào và chửi thề. Từ khu vực lễ tân khách sạn, nhà hàng đến chỗ tham quan nơi nào cũng oang oang “ngôn ngữ địa phương” như chỗ không người.
Rồi chuyện tác phong, ăn uống, giữ vệ sinh. Ra nước ngoài bạn có thể bắt gặp những cảnh báo thói xấu ăn uống bằng tiếng Việt ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…Thậm chí, hai năm liền Đại sứ quán Việt Nam phải xin lỗi quan khách vì sự thô lỗ của một số người Việt trong tiệc buffet chiêu đãi khách Việt Nam ở Kuala Lumpur. Một số người còn thích trốn vé tàu điện, vé tham quan và có khi còn tự hào xem đó là mặt “chiến tích” của mình khi qua mặt được thiên hạ.
Có lẽ, chưa bao giờ hình ảnh Việt Nam lại trở nên xấu xí dưới con mắt bạn bè như vậy. Những thói quen “tự nhiên chủ nghĩa” của một số người Việt Nam khi đi du lịch tại nước ngoài gây không ít phiền hà.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính đều từ con người. Đó là sự quản lý lỏng lẻo, pháp luật buông lỏng, xử phạt "trêu ngươi", không răn đe và ngăn ngừa kẻ vi phạm lẫn người quản lý, không có địa chỉ trách nhiệm cụ thể, cứ hô hào chung chung và đổ hết cho tập thể. Chúng ta cũng thiếu cơ quan giám sát độc lập, cứ xuê xoa theo kiểu nội bộ “xấu thiếp hổ chàng” càng khiến vấn nạn càng sinh sôi.
Đây là vấn đề của toàn xã hội chứ không phải của riêng ngành du lịch, nhưng sau quá nhiều những hiện tượng xấu của một bộ phận người Việt hay du khách được báo chí nêu, vẫn chưa có một cơ quan quản lý nào đứng ra nhận trách nhiệm hay vào cuộc để cải thiện tình hình.
Một số ý kiến cho rằng, chúng ta nên có chế tài nghiêm khắc, mọi vi phạm ở nước ngoài khi trở về nước phải xử phạt gấp đôi vì “làm nhục quốc thể”, có thể cấm xuất cảnh có thời hạn những trường hợp vi phạm.
Dĩ nhiên, không phải việc nào cũng xấu nhưng thói thường, thấy cái tốt của mình thì dễ, biết cái xấu của mình mới khó. Biết và sửa được lại càng khó hơn nhưng khó mà làm được mới là chiến thắng chính mình. Những đốm lửa tàn nếu không được dập tắt có thể ngấm ngầm thiêu rụi cả những nền văn minh rực rỡ nhất.
Hữu Thắng - Xuân Ngọc