Người Hà Nội sẽ có “đêm không ngủ” với cầu Long Biên
(Dân trí) - Dự kiến từ 23h đêm hôm trước đến 6h sáng 13/4 tới đây sự kiện “ Đêm trắng cầu Long Biên – Hành trình đi tìm ký ức”. Chương trình này càng trở thêm độc đáo khi trước đó có nhiều ý kiến đưa cây cầu lịch sử này thành “xây lại cầu Long Biên”.
“Đêm trắng cầu Long Biên - Hành trình đi tìm ký ức” đầu tiên nằm trong chuỗi 5 sự kiện văn hóa - du lịch của dự án có chủ đề “Ký ức” dự kiến sẽ được tổ chức từ 23h00’ ngày 12/4 tới 6h00’ ngày 13/4.
“Ký ức”sẽ là bức tranh sống động, chân thực nhất của một “con người” Long Biên. Và đó sẽ là đêm Hà Nội không ngủ, khi tất cả các bạn trẻ soi đèn tìm về miền ký ức xưa, cùng nhau tạo nên những hồi ức mới trên chính cây cầu đã hơn trăm tuổi.
Đây cũng là chuỗi sự kiện tạo tiền đề cho Festival cầu Long Biên 2014 với chủ đề Cầu Long Biên-Lễ hội văn hóa các dân tộc sẽ được tổ chức vào cuối tháng Mười năm nay”.
Mở đầu chương trình với chủ đề “Long Biên – con người”, vào lúc 11h – 11h30 sẽ chiếu phim “Góc máy”. Đây sẽ là nơi giới trẻ cùng ngồi lại, thưởng thức những đoạn phim quay chậm, ngắm nhìn một Long Biên khác so với những ngày thường nhật.
Đây là dự án do một nhóm những người trẻ hiện đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và lịch sử tới từ nhiều nhóm hoạt động văn hóa - nghệ thuật khác nhau tại thủ đô Hà Nội; hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm độc nhất trong chuyến hành trình tìm về miền ký ức của cây cầu trăm năm tuổi.
Cũng trong thời gian này một tour du lịch văn hóa “Cầu Rồng kể chuyện” diễn ra từ lúc 12h đến 12h25. Đây là quãng thời gian được chạm vào từng nhịp cầu, dầm cầu, từng mảng đinh tán cũng sẽ là khoảnh khắc tới gần hơn, tiếp xúc thật hơn với một Long Biên - “con người”.
Cũng diễn ra trong phần này là buổi kể chuyện “Nhìn lại” (12h25 – 2h25), là những giờ phút chia sẻ với sự tham gia của anh Trương Quý – tác giả những cuốn sách viết về Hà Nội ("Còn ai hát về Hà Nội", "Tự nhiên như người Hà Nội", "Hà Nội là Hà Nội", "Ăn phở rất khó thấy ngon", "Xe máy tiếu ngạo") cùng chính những cư dân làng chài, bãi giữa sẽ là những lời tự tình thật và sâu của Long Biên.
Phần tiếp theo của Đêm Trắng có chủ đề “Long Biên – Kí ức lan tỏa” diễn ra từ 3h15 – 5h sáng. Trong phần này, “Đêm trắng Long Biên” với sân khấu ngẫu hứng, là nơi giao lưu với những nhóm nhạc: Du ca, Ngọt,…; sẽ là nơi chia sẻ của những bạn trẻ muốn gửi lại chút lời cho “Đêm Trắng”; nơi kết nối những tâm hồn đồng điệu mạch yêu thương văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, cùng chung tình yêu với Long Biên…
Lúc 5h30, là chương trình “Chào bình minh” với tiếng nói quen thuộc, thân thương của phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam – Dương Thị Ngân, cùng những bài hát thiết tha về cầu Long Biên, về người và tình Hà Nội sẽ đánh thức ngày mới, đánh thức cả thành phố Hà Nội, và đánh thức một tương lai mới cho Long Biên,…
Trước đó, vài tháng Bộ GTVT đã dự kiến đưa ra 3 phương án để chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu vị trí cầu đường sắt sông Hồng. Theo đó, phương án 1 sẽ xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Phương án 2: xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu. Phương án 3: xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
Tuy nhiên ý tưởng này đã bị dư luận phản đối mạnh mẽ. Một số chuyên gia cho rằng, phương án của ngành GTVT trên cơ sở lấy cầu Long Biên làm cây cầu tải cả đường sắt, ô tô thật không ổn. Sớm muộn cũng phải sử dụng những phương tiện đường sắt hiện đại, đưa tuyến đường sắt cũ ra khỏi nội đô, cho nên việc đưa ra kế hoạch cải tạo và hiện đại hóa cầu là không có hiệu quả. Về lâu về dài, chỉ nên quy hoạch cầu thành tuyến dành cho xe máy (trong khoảng thời gian cũng không dài), cho đi bộ và cho xe đạp.
Minh Phan