Người đàn ông 62 tuổi chuyển lên núi sống để tránh dịch Covid-19
(Dân trí) - Đã có nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch nên việc sinh sống, cắm trại trên núi với ông Sơn không quá khó khăn.
Tới nay, ông Trần Kim Sơn (66 tuổi) cùng một người bạn đã chuyển từ TP Đà Lạt lên núi Bà, Langbiang ở được khoảng hơn một tháng. Ông cho biết mình và người bạn quyết định lên núi sống vào khoảng giữa tháng 7, khi tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Ông Sơn tự nhận mình là "kẻ du mục" và đã quen với cuộc sống nay đây mai đó. Ông sinh sống trên núi để tận hưởng không khí và thiên nhiên, tránh dịch bệnh.
Ông Sơn đã có nhiều năm kinh nghiệm du lịch và cắm trại ở rừng núi bởi trước đây ông là hướng dẫn viên du lịch ở Trung Quốc. Ông đã tự chuẩn bị đồ đạc gồm lều trại, quần áo, dao, và nồi để nấu nướng. Ông chia sẻ, đồ cắm trại không quan trọng phải hiện đại nhưng phải đủ để sinh hoạt tối thiểu, ngay cả trong lúc mưa gió và phục vụ ăn uống hàng ngày.
Ban đầu ông và người đồng hành cắm trại ở độ cao khoảng gần 2.000 m so với mực nước biển. Tuy nhiên ở độ cao này, cả ngày và đêm đều có sương mù và ẩm ướt, khung cảnh lúc nào cũng mù mịt. Buổi đêm những cơn mưa lớn và cái lạnh buốt ảnh hưởng ít nhiều tới giấc ngủ của ông.
Cách vài ngày, ông đi bộ xuống một cửa hàng dưới chân núi mua gạo, thực phẩm, và mang theo cục sạc dự phòng gửi tại đây, lần tới sẽ qua lấy để duy trì pin cho chiếc điện thoại.
Khi ở đây được khoảng một tuần, ông bắt đầu quên đi khái niệm thời gian. Ông cho biết, việc ở trong rừng núi thì điều quan trọng là tận hưởng thiên nhiên chứ không nhất thiết cần nhớ tới ngày tháng. Sau một khoảng thời gian, ông rời trại xuống độ cao khoảng 1.800 m - nơi đây khô ráo và có nhiều ánh nắng. Khi chuyển trại xong ông thấy ở đây thoải mái hơn, vì việc nhóm củi và nấu ăn thuận tiện.
"Ở trên rừng núi khiến khái niệm về thời gian và nỗi ám ảnh về Covid-19 phai nhạt dần. Nhưng dù sao thì ảnh hưởng của dịch vẫn hiện hữu mỗi khi xuống núi mua thực phẩm. Giá cả tăng cao, thị trấn dưới núi trở nên hoang vắng, những đôi mắt e dè khi tiếp xúc...", ông Sơn cho hay.
Giờ đây, số buổi xuống núi mua thực phẩm thưa dần, ông dành thời gian đi hái rau rừng. "Sau khi hoàn thành quy trình lấy nước và nấu nước để pha trà và uống trà, tôi lại tiếp tục một quy trình khác, đó là tập yoga, rồi lang thang ngắm nhìn cảnh vật, trời đất để tìm gợi ý cho những dòng suy tư", ông Sơn chia sẻ.
Hạ trại xuống thấp đồng nghĩa quãng đường tới suối lấy nước cũng xa hơn, khoảng hơn một tiếng đường dốc. Khi trời đổ cơn mưa xối xả, dù lạnh buốt, nhưng đây cũng là lúc, ông được tắm và trữ nước cho những ngày tiếp theo. Với ông, đây là khoảnh khắc tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng.
Sau một tháng, ông và bạn đồng hành đã hoàn toàn hòa mình vào thiên nhiên, thậm chí họ đang cảm thấy vô cùng thoải mái.
"Chi phí thấp nên tiền không phải là vấn đề lớn. Qua vô số những chuyến đi giúp tôi luôn tự tin vào kỹ năng và sức khỏe của chính mình (tôi dạy yoga hơn 10 năm), nên nếu phải sống cả đời trên rừng núi cũng có thể được", ông Sơn hài hước nói.
Ông Sơn chia sẻ, những ngày sống trong rừng chưa biết khi nào sẽ kết thúc nhưng chưa bao giờ ông thấy muốn bỏ cuộc. Nhưng ông cũng hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để có thể trở về TP HCM thăm gia đình, đi những cung đường mới.