Người dân châu Á ăn gì đón năm mới?
(Dân trí) - Tại một số quốc gia châu Á, người dân có truyền thống đón tết âm lịch. Sau một năm, nhà nhà đều quây quần bên bữa cơm đoàn viên, cùng nhau đi qua khoảnh khắc năm cũ, đón chờ năm mới với nhiều niềm tin mới. Hãy khám phá những nét văn hóa thú vị của nhiều quốc gia châu Á qua những món ăn cổ truyền.
Trung Quốc: sủi cảo hấp, cá
Trong ẩm thực Trung Hoa, sủi cảo được xem là món ăn may mắn, thường thưởng thức vào dịp tết bởi mang ý nghĩa đoàn viên, hạnh phúc. Vào ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình tụ họp, cùng nhau nặn những viên sủi cảo nhỏ xinh. Chúng có vỏ ngoài là bột mịn, bọc bên trong nhân thịt mặn và hấp chín. Do hình dáng nhỏ nhắn giống những nén bạc, tượng trưng cho sự giàu có sung túc, dần dần, người Trung Quốc ăn chúng vào ngày đầu năm với mong muốn gia đinh phát tài lộc, gặp nhiều may mắn.
Bàn tiệc đầu năm của người Hoa sẽ không thể thiếu món cá. Theo phiên âm, cá phát âm giống từ "dư" trong "dư thừa". Với ý nghĩa này, người dân hi vọng ăn cá sẽ có một năm đủ đầy. Ngoài ra, họ còn thưởng thức món bánh gạo nếp (nian gao). Món bánh làm từ gạp nếp có sự kết dính như ngụ ý kết nối các thành viên trong nhà, mong một năm an lành.
Singapore: gỏi cá
Món ăn truyền thống nổi tiếng vào dịp tết của người Singapore là gỏi cá - Yu Sheng. Món gỏi làm từ 27 nguyên liệu với cá hồi, các loại rau củ, nhiều nước sốt và gia vị. Trong đó, mỗi thành phần tượng trưng một ý nghĩa tốt lành. Cá là biểu tượng của phồn vinh, củ cải trắng mang ý nghĩa làm ăn phát đạt thăng tiến, bưởi - may mắn, củ cải xanh - trường thọ, cà rốt - mang lại vận may, dầu ăn - tiền vào như nước. Khi thưởng thức, mọi người sẽ quây quần bên bàn ăn, xới đều đĩa gỏi sao cho càng vun đầy càng tốt nhưng không tràn ra ngoài.
Ngoài Yu Sheng, người Singapore cũng ăn bánh nian gao (bánh gạo nếp) với mong muốn gắn kết tình thân, mỳ trường thọ (chang shou mian) mang ý nghĩa sống lâu trăm tuổi quây quần bên con cháu.
Hàn Quốc: canh bánh gạo Tteokguk
Vào ngày đầu năm mới, người Hàn sẽ thưởng thức món canh bánh gạo Tteokguk để cầu cho một năm mới dồi dào sức khỏe, may mắn hạnh phúc. Món canh truyền thống được ăn vào ngày mồng 1 âm lịch. Điều này càng ý nghĩa hơn khi cả gia đình ngồi quây bên nhau.
Người ta dùng loại bánh gạo dạng thỏi, thái vát chéo để nấu canh. Bánh gạo thỏi dài mang ý nghĩa trường thọ, còn màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết, giúp thanh lọc cơ thể. Ngoài bánh gạo, canh được nấu với nước xương hầm, thịt bò, hành hoa.
Đài Loan, Trung Quốc: canh thịt viên
Người Đài Loan, Trung Quốc, cũng có thói quen đón tết Nguyên Đán. Tương tự như Việt Nam, ngày đầu tiên của năm mới mang ý nghĩa rất quan trọng. Trong bàn tiệc đầu năm sẽ không thể thiếu nhiều món truyền thống như cá - tượng trưng cho sự no đủ dư dả, hẹ trắng - mang ý nghĩa lâu dài, cải bẹ xanh cọng to - sự trường thọ, và đặc biệt là canh thịt viên. Đây là món canh thể hiện sự viên mãn, đủ đầy.
Mông Cổ: uống trà và ăn món chế biến từ sữa ngựa
Tết âm lịch của người Mông Cổ kéo dài từ mồng 1 tới mồng 3 âm lịch, có tên gọi Tsagaan Sar. Trong ngày đầu năm, họ sẽ dùng sữa ngựa để rửa sạch bát đũa trong nhà. Tiếp đó là nghi lễ uống trà. Chén trà đầu tiên được mang ra sân rồi vẩy khắp nơi. Chén thứ 2 dành cho chủ nhà, còn các chén tiếp theo là những thành viên trong gia đình. Trong bữa cơm đoàn viên, người Mông Cổ sẽ ăn những món chế biến từ sữa ngựa. Điều này được coi như hành động tẩy mọi tội lỗi từ năm cũ.
Hoàng Hà
Tổng hợp