Nghỉ lễ 30/4: Sao không công khai giá phòng?
Còn một tuần nữa, cán bộ công chức và người lao động trong cả nước bước vào những ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5, nhưng mới đến ngày 19/4, hầu hết các khách sạn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đều treo bảng “hết phòng”.
Ghé vào bất kỳ khách sạn hay nhà nghỉ nào, du khách cũng thường nhận được cái lắc đầu của nhân viên lễ tân. Hiện tượng “găm phòng” (mỗi khách sạn giữ lại 5 - 7 phòng) để đón khách lẻ với giá cao ngất ngưởng là hiện tượng đáng báo động. Và thường thì du khách đành phải “ngậm ngùi” chấp nhận bị “chặt chém” với cái giá cao gấp ba lần, gấp năm lần so với ngày thường.
Thường trong những dịp cao điểm như lễ, tết, cơ quan chức năng TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng đều có văn bản yêu cầu các nhà nghỉ, khách sạn thực hiện “phụ thu” không quá 30% so với giá ngày thường; ngoài ra, còn cho phép nhà dân đón khách theo giá thỏa thuận. Cùng đó, cơ quan chức năng của tỉnh và TP.Đà Lạt còn thành lập các đoàn kiểm tra để giám sát, ngăn chặn việc “chặt chém” du khách; lập đường dây nóng để du khách tiện phản ánh khi họ bị bắt chẹt... Tuy nhiên, năm nào Đà Lạt cũng bị mang tiếng bởi cách làm ăn không trung thực của một vài cơ sở lưu trú hoặc dịch vụ du lịch đứng chân trên địa bàn.
Việc quản lý giá trong kinh doanh du lịch ở Đà Lạt chắc chắn sẽ phải được thực hiện theo các quy định. Tuy nhiên, nếu như cơ quan quản lý có thêm quy định bắt buộc các cơ sở lưu trú công khai giá phòng theo mẫu thì có lẽ “vấn đề” sẽ trở nên nền nếp hơn. Và như vậy, hình ảnh của ngành du lịch sẽ không bị tổn hại thêm nữa.
Theo Khắc Dũng
Lao động