Ngành du lịch Việt Nam đấu tranh chống buôn bán, sử dụng động vật hoang dã
(Dân trí) - Bảo vệ động thực vật hoang dã luôn là vấn đề cấp bách, nhất là trong bối cảnh việc săn bắt cũng như các tổ chức tội phạm quốc tế ngày càng tinh vi, phức tạp. Để hạn chế vấn nạn này, nhiều tổ chức và doanh nghiệp đang tập trung thay đổi từ chính nhận thức của người tiêu dùng.
Ngày 14/12, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã phối hợp với tổ chức quốc tế TRAFFIC tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp du lịch Việt Nam cam kết đấu tranh chống lại buôn bán và sử dụng động, thực vật hoang dã.”. Hội thảo nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch và khách sạn đồng hành đấu tranh chống lại buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển các thông điệp bảo vệ môi trường.
Lợi nhuận lên đến 24 tỷ đô la Mỹ
Động, thực vật hoang dã có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái nói chung và ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng nói riêng. Trong những năm qua ở Việt Nam, nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn đang được khai thác, đưa vào hoạt động nhằm đẩy mạnh du lịch sinh thái. Chính vì lẽ đó nên công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã càng cần được chú trọng và nâng cao nhiều hơn.
Theo số liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN) năm 2013, trung bình cứ 10 cơ sở nhà hàng thì có 2 cơ sở buôn bán thịt động vật hoang dã. Song song với đó, sự sinh tồn của các loài động, thực vật quý hiếm trên Thế giới đang thực sự bị đe dọa khi hàng năm, ước tính khoảng 7- 24 tỷ đô la Mỹ là con số lợi nhuận thu được từ việc buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã.
Hình ảnh chú khỉ trong vườn thú ở Malaysia và động vật hoang dã trên poster của Safari.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Tuyết Trinh, cán bộ của Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã TRAFFIC đã đưa ra một loạt các dẫn chứng cho thấy sự đáng báo động của hành vi buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã ở Việt Nam và trên toàn Thế giới.
Đáng chú ý nhất là những con số thống kê: trong vòng 10 năm, 1 triệu con tê tê đã bị buôn bán và vận chuyển trái phép. Bên cạnh đó, từ 2010 – 2015, 100.000 con voi châu Phi đã bị giết hại để lấy ngà và ước tính có 170 tấn ngà voi được vận chuyển về Việt Nam. Số lượng tê giác trên Thế giới bị săn trộm trong 9 năm (từ 2007-2015) cũng tăng hơn 9000%, dẫn đến sự suy vong nhanh chóng.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu đã chỉ ra thực trạng phức tạp, tinh vi của hành động buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động, thực vật hoang dã. Ngoài hai hình thức chính là gian lận và buôn lậu, ngày nay, việc mua bán còn xuất hiện nhiều trên các trang web trực tuyến và các trang mạng xã hội.
Cần tuyên chiến và tuyên truyền chống lại buôn bán động thực vật hoang dã
Trước tình hình đáng quan ngại, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã dẫn lời của Hoàng tử Anh trong chuyến thăm Việt Nam: “Sừng tê giác hay ngà voi, đó không phải dấu hiệu của sự quý phái hay đẳng cấp mà chính là sự hủy diệt.”
Để đấu tranh với vấn nạn này, các doanh nghiệp du lịch đã đưa ra những giải pháp thiết thực, đồng thời ký cam kết bảo vệ và hành động chống mua bán động, thực vật hoang dã. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt nhận thức của khách du lịch là điều được nhấn mạnh trong suốt quá trình diễn ra hội thảo.
Đại diện của các doanh nghiệp du lịch cũng nhấn mạnh: “Sứ mệnh của chúng tôi là cùng chung tay với các tổ chức có uy tín, cùng phối hợp hành động để đảm bảo việc buôn bán động vật hoang dã không phải mối nguy hiểm đối với Thế giới.”
Bà Nguyễn Tuyết Trinh, cán bộ chương trình cấp cao thay đổi hành vi, Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã TRAFFIC.
Giải đáp thắc mắc về vấn đề ứng xử giữa các doanh nghiệp và du khách khi phía khách hàng có nhu cầu sử dụng động, thực vật quý hiếm, Bà Nguyễn Tuyết Trinh khẳng định: “Hầu hết các doanh nghiệp giờ đã ý thức rất rõ về tầm quan trọng của động vật hoang dã đối với các sản phẩm du lịch. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền qua phần mềm, poster hoặc các ấn phẩm, mỗi doanh nghiệp cần khéo léo đưa đến cho khách hàng những kiến thức thiết thực nhất, đồng thời tư vấn và định hướng nếu họ có nhu cầu sử dụng động, thực vật quý hiếm.”
Về phía chính phủ, bộ luật hình sự năm 2017 cũng sẽ đưa ra những quy định xử phạt rõ ràng và nghiêm minh đối với hành vi mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã. Cụ thể, mức phạt được gia tăng tối đa 15 tỷ VNĐ và phạt tù tới 15 năm.
Bài và ảnh: Hoàng Ngọc