Né Covid-19, giới siêu giàu thế giới mua trang trại làm hầm trú ẩn
(Dân trí) - New Zealand được nhiều người siêu giàu trên thế giới lựa chọn là điểm đến tiềm năng dự phòng cho những kịch bản xấu, cụ thể là đại dịch Covid-19 hiện nay.
Cảnh thanh bình trên đồng cỏ xanh phía dưới núi Isabel, gần Hanmer Springs - nơi cách Christchurch của New Zealand 125km về phía tây bắc. (Ảnh: AP).
“Kịch bản ngày tận thế”
Nhiều người trong giới siêu giàu của Mỹ được cho là đã chuẩn bị đối phó với cái gọi là kịch bản “ngày tận thế” từ lâu, bằng cách mua các bất động sản tại New Zealand rồi đặt hàng xây dựng các bunker bí mật (kiểu boongke, hầm ngầm dưới lòng đất) xa hoa trị giá hàng triệu USD.
Thời đại dịch họ nhanh chóng bay sang trú ẩn tại các bunker kiên cố này để “tránh” Covid-19. Trong số đó có cả các tỷ phú lừng danh tại Thung lũng Silicon, các giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn, hãng lớn…
Tỷ phú Peter Thiel và chuyên gia truyền thông - bà Ann Coulter.
Thông tin New Zealand trở thành “điểm đến ngày tận thế” cho nhiều người trong giới thượng lưu thế giới rộ lên sau khi ông Sam Altman - cựu Chủ tịch Vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator ở Thung lũng Silicon - tình cờ tiết lộ kế hoạch “trốn” đến New Zealand nếu đại dịch xảy ra. Tuy nhiên hiện nay ông Sam Altman được cho là vẫn đang “ẩn náu” tại San Francisco.
Trong số những nhân vật đáng chú ý liên quan tới trào lưu sang New Zealand tránh Covid-19 ngoài ông Sam Altman còn có CEO Reddit (website giải trí, dịch vụ giao tiếp và tin tức xã hội, tin tức trực tuyến) Steve Huffman; ông Peter Thiel - nhà đầu tư mạo hiểm, tỷ phú Facebook và cũng là người đồng sáng lập hãng PayPal…
Ông Peter Thiel đã có được tư cách công dân New Zealand từ năm 2011 và hiện đang sở hữu 2 bất động sản lớn tại nước này. Trong đó có một ngôi nhà trị giá 4,7 triệu USD tại thị trấn nghỉ mát Queenstown đẹp như tranh vẽ, bao gồm cả “Panic Room” (Phòng Khủng khiếp - đặt theo tên một bộ phim hình sự kinh dị của Mỹ sản xuất năm 2002). Nhưng không rõ liệu ông ta hiện có đang “trú” tại ngôi nhà này không.
Phong cảnh tuyệt đẹp của thị trấn nghỉ mát Queenstown.
Doanh nhân Mihai Dinulescu ở Bay Area - khu vực xung quanh Vịnh San Francisco, bang California, kể với hãng tin Bloomberg rằng ông đã kịp kết nối cùng 10 người khác rời nước Mỹ chỉ 4 ngày trước khi New Zealand đóng cửa biên giới. Ông Dinulescu nói họ là những “tỷ phú đi săn” đang tìm nơi để thuê, và rằng vợ chồng ông sẽ không quay lại San Francisco chừng nào chưa hết dịch.
Ông Dinulescu cùng vợ bay sang New Zealand ngày 12/3, để lại nhà cửa cùng toàn bộ đồ đạc và cả hãng chuyên về tiền điện tử vừa khởi nghiệp của mình.
Doanh nhân Mihai Dinulescu.
Vợ chồng ông Dinulescu đang thuê căn nhà 3 phòng ngủ trên hòn đảo sang trọng Waiheke gần thành phố Auckland, với giá 2.400 USD/ tháng.
Mặc dù nhà này không có bunker nhưng bao quanh nó là các biệt thự sang trọng của nhiều cư dân giàu có khác, bao gồm cả Sir Graham Henry - cựu huấn luyện viên đội bóng bầu dục quốc gia New Zealand All Blacks, tỷ phú giàu nhất New Zealand và là ông trùm ngành đóng gói Graeme Hart…
Các ông trùm ở Wall Street cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội đầu tư vào bất động sản tại “đất nước Kiwi”, dẫn tới vào năm 2018 New Zealand thông qua luật cấm hầu hết du khách nước ngoài đầu tư mua nhà hoặc đất đai tại nước này.
Sự cố bất ngờ
Từ trào lưu này đã dẫn tới một số sự cố. Mới nhất là vài tuần trước hãng Rising S Co. có trụ sở tại Texas (vốn được mệnh danh là nhà sản xuất bunker dự phòng cho kịch bản “ngày tận thế”) nhận được cú điện thoại từ một CEO có trụ sở làm việc tại New York, hỏi cách mở cánh cửa bí mật vào bunker mà gia đình ông đặt làm ở độ sâu 11 feet (khoảng 3,35m) dưới lòng đất tại New Zealand nhưng chưa bao giờ sử dụng.
“Ông ấy muốn xác minh sự hết hợp với cánh cửa và hỏi về nguồn điện, bình nước nóng… ?” - Bloomberg dẫn lời ông Gary Lynch, Tổng Giám đốc Rising S Co. nói và cho biết thêm: “Ông ta bay tới New Zealand để tránh mọi điều (dịch Covid-19) đang xảy ra và theo tôi được biết ông ta vẫn đang ở lại đó”.
Công nhân lắp đặt bunker ngầm dưới lòng đất.
Hãng Rising S Co. đã lắp đặt khoảng 10 bunker tại New Zealand trong vài năm qua.
Các bunker được chuyển từ Mỹ sang New Zealand và đã được lắp đặt tại Hamilton, Hanmer Springs, Wanaka. Giá trung bình của 1 bunker khoảng 3 triệu USD, nhưng cũng có thể lên tới 8 triệu USD.
Một bunker sang trọng có đủ chỗ cho khoảng 22 người, bao gồm 3 phòng ngủ chính, có trung tâm tập thể hình, phòng tắm hơi và thậm chí có cả bể bơi.
Sơ đồ một bunker được vận chuyển từ Mỹ sang New Zealand.
Không gian bếp trong bunker.
Phòng chứa đồ ăn trong bunker.
Báo New Yorker dẫn lời ông Reid Hoffman, người đồng sáng lập tập đoàn dịch vụ mạng xã hội LinkedIn tiết lộ: “Nói rằng bạn mua nhà ở New Zealand là kiểu trong nháy nháy, không cần nói thêm gì nữa, bạn đang có “bảo hiểm ngày tận thế”.
Các phòng ngủ trong bunker có diện tích khác nhau. Có phòng đặt giường tầng (ảnh), cũng có những phòng đặt giường “cỡ Nữ hoàng”.
New Zealand được đánh giá là một trong những quốc gia đáng sống nhất thời Covid-19, vì chính quyền thực thi các biện pháp kiểm dịch vào loại ngặt nghèo nhất.
New Zealand đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức 4, đóng cửa biên giới từ 19/3 và ban hành lệnh phong toả từ ngày 26/3 khi nước này có chưa tới 100 ca nhiễm Covid-19.
Đường Adelaide tại thủ đô Wellington của New Zealand vắng vẻ trong cảnh phong toả.
Linh Lê
Theo Daily Mail, Business Insider