Mùa về trên những vạt đê…
(Dân trí) - Những triền đê Hà Nội từ lâu lắm rồi đã trở thành chốn yên bình của người dân. Hà Nội giờ đã thành chốn lao xao nhưng cứ khi chiều về bên triền đê những chiều gió lộng, họ lại thấy tâm hồn mình trong trẻo hơn giữa lo toan bộn bề nơi phố thị.
Những triền đê đã trở thành nơi hẹn hò đôi lứa, là chỗ trăn trâu và tập trận giả của con trẻ nhiều miền quê. Người xưa bảo rằng, vào mùa xuân năm 1108 ở làng Cơ Xá bên kinh thành Thăng Long thời Nhà Lý. Và từ ấy, những con đê ngăn lũ qua năm tháng cứ mọc thêm lên, dài mãi ra… thành hệ thống quy mô như ngày nay.
Cho đến bây giờ, những triền đê đơn sơ, mộc mạc và yên bình, tất cả vẽ nên một nét đặc trưng của làng trong phố ở Hà Nội. Mùa này những triền đê nhuộm vàng một màu cỏ úa, những cánh diều đủ sắc đã thôi không còn chao nghiêng trên bầu trời xanh thẳm. Đâu đó, ven đê một vài vạt cải vàng, cải trắng đã bắt đầu xòe cánh nở hoa.tạo cho những triền đê khoảng vàng, khoảng trắng tô một chút màu sắc cho bức tranh mùa. Hoa cải cúc giống với bông hoa dã quỳ nhưng nhỏ nhắn và xinh xắn hơn.
Hương hoa cải ngai ngái, những thân cây cải mỏng manh, nõn nà với muôn ngàn cành nhỏ như những cách tay bé xinh vươn ra, nâng đỡ những chùm bông li ti nở bung trong nắng
Những triền để ở Hà Nội từ lâu lắm rồi đã trở thành chốn yên bình của người dân. Hà Nội giờ đã thành chốn lao xao nhưng cứ chiều về bên triền đê những chiều gió lộng, cánh diều tuổi thơ cứ thỏa sức bay lên. Ở đó, họ lại thấy tâm hồn mình trong trẻo hơn giữa lo toan bộn bề nơi phố thị.
Đâu đó thấp thoáng những người qua lại trên đường hay ngồi trên thảm cỏ với chiếc nón lá thân thương. Ngồi trong quán nước vào cuối buổi chiều ở Gia Lâm bên triền đê xanh mướt mà hóng cái gió, nắng. Mùa này, nắng nhạt, trời đã bớt trong xanh và những làn gió mang theo không khí lạnh tràn ngập khắp những triền đê. Và cứ vào độ cuối năm khi thời tiết bắt đầu se lạnh là lúc những vạt hoa cải lại vàng rực trên triền đê sông Hồng, sông Đuống.
Trên triền đê lộng gió, chẳng bao giờ tắt đi tiếng cười và niềm lạc quan, yêu thương trong cuộc sống của người lao động. Dưới ánh nắng tà tà của buổi chiều hè, khi ông mặt trời sắp sửa dọn giường đi ngủ, thì cũng là lúc những tia nắng chói chang cuối cùng được rót xuống những thảm cỏ bên triền đê, trải trên con đường phẳng phiu và lên đầu những người qua đường.
Từ Hà Nội chỉ đi qua cầu Long Biên sang bên kia Gia Lâm là bạn đã có một khoảng trời khác hẳn với triền đê, nắng, gió và hình ảnh chiếc nón lá thân thương thấp thoáng trên đường.
Trong một buổi chiều thư thái cuối thu đâu đó thi thoảng ta bắt gặp đôi bạn trẻ đang chăm chú chụp bộ ảnh cưới. Những thảm cỏ xanh bên dòng sông nặng đỏ phù sa, những bụi tre tần ngần rũ tóc rối và cả những bông hoa cỏ may vướng bước chân qua. Ngày cuối thu, cái gió chẳng đủ gọi hè, chẳng đủ thổi lên cánh diều nhưng yêu lắm những phút giây nằm dài trên những triền đê cỏ xanh.
Trên triền đê, vạt cỏ ven đường lay động, những đóa hoa cỏ giản dị làm cảm hứng vô tậncho những tâm hồn thi sĩ. Hà Nội ồn ào náo nhiệt như bao thành phố lớn khác nhưng lại thầm lặng trầm tư đi vào lòng người từ lúc nào không biết.
Đê Hà Nội có các giá trị khác biệt, không chỉ là những con đê đầu tiên, đê Hà Nội còn trở thành đường phố.
Chỉ khi yêu quê hương đất nước, ta mới thấy cái hồn trong bức tranh triền đê…
Bài: Song An
Ảnh: Minh Phan