Mua các gói du lịch giá rẻ, người tiêu dùng cẩn trọng “sập bẫy” lừa đảo
(Dân trí) - Thời gian gần đây có hiện tượng đối tượng lừa đảo, nhận tiền đặt cọc mua gói du lịch trị giá nhiều tỷ đồng rồi bỏ trốn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều người tiêu dùng.
Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, thời gian qua ghi nhận thông tin về việc một số đối tượng lợi dụng chính sách kích cầu du lịch và nhu cầu du lịch tăng cao của người tiêu dùng để thực hiện các hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, người tiêu dùng được quảng cáo hoặc được giới thiệu các gói du lịch giá rẻ, tiết kiệm chi phí lên tới 30-50% so với giá gốc.
Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều người tiêu dùng phản ánh về chất lượng dịch vụ không đúng như quảng cáo, phải nộp thêm tiền phụ phí hoặc bị cắt giảm dịch vụ, sản phẩm hoặc công ty cung cấp dịch vụ trì hoãn không thực hiện các trách nhiệm cam kết trong hợp đồng giao dịch.
Thậm chí, thời gian gần đây có hiện tượng đối tượng lừa đảo, nhận tiền đặt cọc mua gói du lịch trị giá nhiều tỷ đồng rồi bỏ trốn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều người tiêu dùng.
Để tránh bị thiệt hại về chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của gia đình và bản thân, khi lựa chọn các gói du lịch, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người mua tour cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty cung cấp dịch vụ du lịch, các chương trình khuyến mãi trước khi lựa chọn sản phẩm.
Nên chọn dịch vụ của những công ty uy tín để tránh bị lừa đảo và có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có vấn đề.
Người tiêu dùng cần cân nhắc việc đơn vị du lịch đề nghị chuyển tiền để được giữ chỗ: Đây chưa phải là khoản tiền xác nhận cung cấp dịch vụ mà chỉ là khoản đặt cọc để đơn vị du lịch kiểm tra tình trạng gói du lịch.
Có trường hợp sát ngày đi, đơn vị du lịch mới báo lại không đặt được gói du lịch như cam kết, gây ảnh hưởng đến kế hoạch của người tiêu dùng.
Tìm hiểu kỹ về lịch trình của gói (tour) du lịch. Trước khi đăng kí tour, người tiêu dùng cần yêu cầu công ty cung cấp chi tiết các nội dung liên quan như: thời gian, các địa điểm tham quan cụ thể, phương tiện di chuyển, khách sạn, tiêu chuẩn bữa ăn, bảo hiểm du lịch…
Nắm rõ các chi phí nằm trong gói du lịch và các chi phí có thể phát sinh trong quá trình du lịch, ví dụ: phụ phí vé máy bay, phụ phí trẻ em…
Tìm hiểu và tham khảo các ý kiến nhận xét của người tiêu dùng từng sử dụng dịch vụ trên các diễn đàn, trang mạng xã hội để có đánh giá thực tế và chính xác khi quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ.
Trước đó,Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng đã ký công văn về việc chấn chỉnh hoạt động du lịch cả nước.
Tổng cục Du lịch đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch.
Thực hiện hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kích cầu du lịch nội địa nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo uy tín của ngành, quyền lợi của khách du lịch, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch.