TPHCM:

Một số doanh nghiệp du lịch dự báo lỗ hơn 2000 tỷ đồng trong quý 2/2020

(Dân trí) - Theo báo cáo từ Sở Du lịch TPHCM, trong quý 2/2020 nhiều doanh nghiệp lữ hành dự báo lỗ nặng vì Covid-19. Một số đơn vị như Vietravel, Saigontourist có thể tới hơn 1,7 - 2,2 ngàn tỷ đồng.

TPHCM: Du lịch dự báo lỗ hơn 2000 tỉ đồng trong quý 2/2020 vì Covid-19

Cũng theo báo cáo trên, trong quý 2/2020, các đơn vị như: Benthanhtourist dự báo thiệt hại hơn 250 tỷ đồng, Lữ hành Fiditour có thể tầm 259 tỉ đồng, đơn vị lữ hành TNT dự báo lỗ gần 1,2 ngàn tỷ đồng đối với thị trường Việt Nam…

Quý 1/2020 TPHCM đón 1,3 triệu lượt khách, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ. Ảnh hưởng rõ rệt nhất chính là tháng 3/2020 khi giảm hơn 80% lượt khách với doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng giảm 26% so với cùng kỳ.

Từ tháng 1-2/2020, lượng khách du lịch đến TPHCM đã có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng từ sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới cũng như những chính sách quyết liệt trong ứng phó với dịch tại Việt Nam.

Một số doanh nghiệp du lịch dự báo lỗ hơn 2000 tỷ đồng trong quý 2/2020 - 1

Khách tham quan Bưu điện Thành phố, nhà thờ Đức Bà thời điểm trước dịch Covid- 19

Đến tháng 3/2020, Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của vi-rút corona gây ra là “đại dịch toàn cầu” thì ngành du lịch Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng gần như tê liệt hoàn toàn. Số lượng khách du lịch quốc tế cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm nghiêm trọng.

Một số doanh nghiệp du lịch dự báo lỗ hơn 2000 tỷ đồng trong quý 2/2020 - 2
Bưu điện Thành phố không bóng khách du lịch thời điểm giãn cách xã hội phản ánh thiệt hại nặng nề của ngành du lịch TPHCM
Một số doanh nghiệp du lịch dự báo lỗ hơn 2000 tỷ đồng trong quý 2/2020 - 3
Bảo tàng chứng tích chiến tranh ngưng đón khách trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19
Một số doanh nghiệp du lịch dự báo lỗ hơn 2000 tỷ đồng trong quý 2/2020 - 4
Mọi thứ gần như tê liệt
Một số doanh nghiệp du lịch dự báo lỗ hơn 2000 tỷ đồng trong quý 2/2020 - 5
Có doanh nghiệp hoàn toàn ngưng đón khách, giảm 100% số lượt khách

Theo thông tin từ đơn vị Lữ hành Fiditour, thị trường quốc tế đang tạm ngưng nhận khách từ cuối tháng 2 theo quy định của các cơ quan ban ngành. Còn các chương trình quý 2, 3 thì đang làm việc để dời, thời điểm cụ thể sẽ tuỳ vào diễn biến, tình hình phòng chống dịch Covid tại Việt Nam và các thị trường quốc tế.

“Có những đoàn khách Hàn Quốc, Nhật Bản về du lịch văn hoá, giao lưu võ thuật, mỹ thuật, thăm các trường trẻ mồ côi, xây trường, dạy võ cho học sinh ở miền Tây. Có những đoàn khách của các tập đoàn lớn của Nhật sang tham gia trồng rừng ở Cần Giờ và các đoàn học sinh cấp 3 của Singapore sang giao lưu, trồng lúa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, bà Trần Bảo Thu, đại diện Lữ hành Fiditour cho biết.

Một số đơn vị đang nghiên cứu để chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng mới, ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Việc tìm kiếm, chuyển hướng sang các thị trường mới luôn nằm trong kế hoạch mở rộng, linh hoạt điều chuyển thị trường của doanh nghiệp.

Nhằm chuẩn bị cho công tác phục hồi du lịch sau dịch Covid-19, đại diện đơn vị Vietravel cho biết đang tập trung đầu tư về nguồn lực, xây dựng hệ thống sản phẩm phù hợp nhằm nâng cao năng lực phục vụ du khách.

Theo đó, đơn vị này đã xây dựng bộ sản phẩm có mức giá hấp dẫn nhưng dịch vụ vẫn giữ nguyên, đảm bảo chất lượng tốt, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn.

Bộ sản phẩm sẽ được Vietravel xây dựng theo 3 tiêu chí: Điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn, đội ngũ nhân viên được tập huấn an toàn.

“Điểm đến an toàn là những điểm đến/quốc gia chưa ghi nhận có ca nhiễm bệnh hoặc đã đủ điều kiện công bố hết dịch; hệ thống dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận chuyển … được sử dụng đều áp dụng các biện pháp an toàn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đội ngũ nhân sự phục vụ đều được trang bị kiến thức về cách phòng chống dịch và cập nhật thông tin liên tục để hỗ trợ cho khách hàng”, đại diện Vietravel cho biết.

Vị này còn chia sẻ: “Đặc biệt, mặc dù dịch bệnh đã tạm lắng, nhịp sống của mọi người đang trở lại bình thường nhưng khi tổ chức tour, đơn vị vẫn duy trì việc giãn cách. Trên xe, tại nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan...chúng tôi yêu cầu việc bố trí chỗ ngồi của du khách sẽ có một khoảng cách nhất định, để gia tăng mức độ an toàn. Ngoài ra, du khách sẽ được cấp nước rửa tay, khẩu trang miễn phí để tự chăm sóc, bảo vệ cho bản thân mình”.

Nhìn chung, thị trường du lịch trong nước sẽ khởi sắc sớm hơn so với thị trường khách quốc tế. Nhìn thẳng vào vấn đề, tình hình đón khách du lịch quốc tế sẽ chịu tác động khá nặng nề và mất thời gian khá lâu để phục hồi.

Các thị trường khách chủ lực chiếm từ 60 – 70% khách đến Việt Nam trong thời gian qua là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng hiện nay các thị trường này đang bị tác động bởi dịch bệnh, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Một số chuyên gia ngành du lịch dự đoán, nếu tình hình khả quan, có thể lượng khách sẽ trở lại vào khoảng thời gian cuối năm 2020 nhưng không chắc sẽ sôi động. 

Ở thị trường Đông Nam Á có lượng khách đến Việt Nam không nhiều, nhưng theo nhận định đây là thị trường có khả năng phục hồi sau dịch sớm hơn nếu Hàng không mở cửa và dịch bệnh trong khu vực được kiểm soát tốt.

Đối với 2 thị trường Châu Mỹ và Châu Âu, số lượng khách du lịch sẽ giảm hẳn trong năm 2020 vì tính chất khách của 2 thị trường này thường đăng ký tour trước từ 6 – 8 tháng.

Đồng thời, đây là 2 châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận đại dịch Covid-19, kinh tế giảm sâu nên sẽ tác động mạnh đến nhu cầu du lịch của người dân. Nếu có, lượng khách đến từ 2 thị trường này trong năm 2020 chủ yếu sẽ là khách công vụ và Việt Kiều.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết: “Sở sẽ đề xuất UBND Thành phố giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Tập trung các nhóm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế…; đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch”.

“Tiếp tục nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch; hỗ trợ cho công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… để các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư năng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch”, ông Hoàng Vũ cho biết.

Phạm Nguyễn        

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm