Mỗi năm có hàng trăm tỉ đồng bị đốt… vì vàng mã
(Dân trí) - Theo số liệu thống kê trung bình một năm có khoảng trên dưới 50 ngàn tấn vàng mã được sử dụng, riêng Hà Nội đã tiêu tốn trên dưới 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Thật lãng phí khi dùng tiền thật mua hàng tấn tiền giấy để đốt như thế này.
Nếu như vàng mã trước đây chỉ được xem như hành động tượng trưng thì tới thời điểm hiện tại mỗi gia đình phải bỏ ra từ 30 – 50 ngàn đồng/lễ. Với gia đình khá thì sắm lễ từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu, thậm chí còn hơn là chuyện bình thường.
Mỗi năm chúng ta có hàng chục ngàn lễ hội. Bên cạnh những lễ hội mang đậm bản chất truyền thống, có ý nghĩa lành mạnh, cũng rất nhiều lễ hội mang màu sắc mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh…Việc đốt vàng mã trong đền ngoài miễu diễn ra tràn lan. Gây ô nhiễm ngột ngạt cho những người đến dự lễ hội mà còn gây lãng phí, mất trật từ, lộn xộn ở nơi công cộng.
Tình trạng rải tiền vàng bạc, đốt vàng mã đang có chiều hướng phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi gia đình mà còn lan tràn ngoài xã hội với nhiều hình ảnh phản cảm và được sử dụng một cách thái quá, gây nên sự mê tín dị đoan, ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, dễ trở thành hủ tục, vấn nạn trong văn hóa tâm linh.
Việc đốt vàng mã đã trở thành tục lệ lâu đời trong đời sống tâm linh người Việt. Từ cách nghĩ “trần sao âm vậy”, nhiều người tin rằng: Người sống trên dương gian cần cái gì thì chết xuống âm phủ cũng cần cái ấy, nên các con cháu đốt đồ cần thiết làm bằng giấy gửi xuống cõi âm. Lợi dụng sự mê tín của nhiều người mà bây giờ các nhà sản xuất hàng mã cho ra thị trường hàng mã các sản phẩm vô cùng phong phú và đa dạng từ nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động, xe gắn máy… Nhiều người dám bỏ ra vài ba triệu đồng mua hàng mã đốt cho người thân. Theo số liệu thống kê trung bình một năm có khoảng trên dưới 50 ngàn tấn vàng mã được sử dụng, riêng Hà Nội đã tiêu tốn trên dưới 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã.Hiện nay đã có quy định xử phạt ngườinơi công cộng theo đó Chính phủ có quy định phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích văn hóa lịch sử và nơi công cộng khác.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2010 nhưng đến nay nhiều người dân vẫn chưa biết nghị định này nên cứ vi phạm thường xuyên.
Ông Tạ Minh Hiến, Phó giám đốc Công ty Du lịch Phương Đông ngày nay cho rằng muốn hạn chế chúng ta cần phải tuyên truyền mạnh mẽ về sự lãng phí này. Chúng ta có thể tuyên truyền ngay tại các điểm du lịch văn hóa tâm linh bằng lối nói nhắc nhở khéo léo, như thế sẽ rất hiệu quả.
Một khía cạnh khác cần quan tâm, đó là công tác quản lý đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng này chưa chặt chẽ. Hầu hết các cơ sở làm hàng mã đều làm chui, né tránh chính quyền địa phương, do đó, khó mà biết chắc chắn được con số cơ sở làm hàng mã hiện nay là bao nhiêu? Số lượng, chủng loại hàng mã bán ra dịp lễ tết như thế nào? Chỉ dựa trên thực tế sử dụng thì có thể thấy rằng số lượng cơ sở làm hàng mã chắc chắn không nhỏ.
Chị Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Du lịch nội địa, Công ty Du lịch Viettrantour cho rằng, để hạn chế tình trạng đốt vàng mã tràn lan cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở.
“Mấy năm trước tình trạng chèo kéo, chặt chém khách đi đò thăm quan tại chùa Hương, chùa Bái Đính gây nhiều bức xúc trong dư luận nhưng nhờ có sự quyết liệt của địa phương cho đến nay, tình trạng đó đã được ngăn chặn. Vấn đề đốt vàng mã tràn lan cũng thế, nếu quyết liệt chắc chắn chúng ta cũng sẽ ngăn chặn được”, chị Tâm chia sẻ.
Hiếu nghĩa với cha mẹ là ở những công việc thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, là những hành động chăm sóc cha mẹ, sự chia sẻ với mọi người trong gia đình. Việc đốt vàng mã cho tổ tiên và các linh hồn cũng phải xuất phát từ cái tâm, chứ đốt vàng mã với một mong muốn được người âm trợ lực cho kinh tế hay thăng quan tiến chức thì cũng chẳng khác nào là hối lộ Thánh thần, hối lộ cõi âm... Bài ảnh: Song An – Minh Phan