Mời khách quay lại lần hai, Việt Nam chỉ cần nở nụ cười thân thiện!

(Dân trí) - Chỉ cần nở nụ cười, an toàn và sạch sẽ… thì câu chuyện kéo khách quốc tế trở lại Việt Nam thực sự không gặp nhiều khó khăn.

Theo đóng góp của nhiều doanh nghiệp trong ngành, du lịch Việt Nam vẫn còn những việc cần và phải làm ngay để tăng thêm lượng khách và giữ được lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Giữ khách quay lại, câu chuyện trầm kha của ngành du lịch

Trao đổi với Dân trí ông Lê Công Năng, Trưởng phòng truyền thông, Công ty Du lịch Vietrantour chia sẻ: "Để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chúng ta cần phải cho khách sự hài lòng, tạo ấn tượng tốt về dịch vụ du lịch. Bao gồm: cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, khu mua sắm, điểm vui chơi giải trí, khu ẩm thực đủ tiêu chuẩn ngon - sạch - phong vị Việt. Đặc biệt, tại các điểm trình diễn văn hoá truyền thống, khu du lịch làng nghề... phải luôn đề cao vấn đề văn hoá du lịch. Trong đó là, văn hoá bán hàng, văn hoá vận chuyển hành khách, văn hoá chào hỏi và sẵn sàng giúp đỡ,tôn trọng luật pháp...", ông Năng nhấn mạnh.

Mời khách quay lại lần hai, Việt Nam chỉ cần nở nụ cười thân thiện! - 1

Cùng với đó, một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng khác như: môi trường, giao thông, chính sách du lịch, chính sách giá cũng có tác động không nhỏ tới sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

“Chúng ta cần đầu tư bài bản, toàn diện, làm mới hình ảnh du lịch Việt Nam theo hướng đẹp hơn, an toàn hơn, văn minh hơn”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội chia sẻ.

Câu chuyện “giữ chân” du khách khi tới đất nước hình chữ “S” vẫn chưa được ngành du lịch Việt Nam giải đáp thỏa đáng.

PV Dân Trí đã liên lạc với ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường, TCDL để tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa của vấn đề, tuy nhiên khi PV hỏi, ông Đức đã từ chối với lý do bận tiếp khách. Ít giờ sau đó, PV tiếp tục liên hệ với vị Vụ trưởng Vụ thị trường, nhưng ông không nhấc máy.

Đây không phải lần đầu PV Dân trí bị lãnh đạo Tổng cục Du lịch từ chối khéo kiểu này, mà trước đây rất nhiều lần lãnh đạo TCDL cũng né tránh các cuộc gọi của chúng tôi khi có vấn đề liên quan cần phỏng vấn hoặc trả lời máy rồi người nọ đá bóng sang người kia,...

Không thẳng thắn đối diện với thực trạng, né tránh, bưng bít thông tin,... thì bao giờ ngành du lịch Việt Nam mới phát triển được như các nước trong khu vực? Ngay đến cơ quan chuyên trách về du lịch còn vậy thì sao phát động được toàn dân làm du lịch?

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2015, khách quốc tế đến duy trì được đà tăng trưởng với mức tăng trung bình hàng năm cao hơn so với giai đoạn 2006 - 2010 (9,48% so với 8,95%), tăng hơn 1,57 lần. Trong 07 tháng đầu năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5.552.635 lượt (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015).

Báo cáo tác động kinh tế của ngành du lịch của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy, năm 2015. đóng góp của du lịch Việt Nam xếp hạng 40 thế giới; về giá trị tương đối (tỷ lệ đóng góp so với GDP), du lịch Việt Nam xếp hạng 55 trên thế giới.

Tuy nhiên, câu chuyện “giữ chân” du khách khi tới đất nước hình chữ “S” vẫn chưa được ngành du lịch Việt Nam giải đáp thỏa đáng.

PV Dân Trí đã liên lạc với ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường, TCDL để tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa của vấn đề, tuy nhiên khi PV hỏi, ông Đức đã từ chối với lý do bận tiếp khách. Ít giờ sau đó, PV tiếp tục liên hệ với vị Vụ trưởng Vụ thị trường, nhưng ông không nhấc máy.

Ông Trần Anh Giang, đại diện Công ty Du lịch Việt cho rằng, những vấn đề này được nói ra từ rất lâu, năm nào cũng nói và ai cũng nhìn ra, nhưng có một điều rằng, cho đến nay nó vẫn chưa tìm ra phương pháp tối ưu.

Từ nhiều năm nay, ngành du lịch Việt Nam luôn phải loay hoay với việc sụt giảm khách với nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau. Còn nhớ, từ giữa năm 2014, đến nửa đầu năm 2015 lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục đi xuống. Để cứu vãn thị trường TCDL đã ban hành hàng loạt những nghị định, thông tư với hy vọng giữ khách. Cho đến năm 2015, ngành du lịch bắt đầu tung ra những khoản chi lớn cho quảng bá du lịch. Song câu chuyện giữ chân mời khách quay lại Việt Nam vẫn xem như viển vông.

Nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam chưa thu hút được lượng khách du lịch như Thái Lan, Malaysia,... Anh Vũ Tuấn Phong, Giám đốc Công ty PYS Travel chia sẻ, về biển đảo, về vịnh, về phố cổ... Khách Tây họ hay bay đến Thái trước, thăm ở Thái xong thì tiện thể đi qua Việt Nam. Thăm mấy điểm ở Việt Nam (gần giống Thái) và nhiều người sẽ thấy thất vọng về môi trường ô nhiễm, dịch vụ của ta kém. Ngay cả vịnh Hạ long, khách Tây Âu thường chỉ đi một lần. Vì đi krabi bên Thái đẹp hơn, sạch hơn, hay hơn.

"Muốn bắt kịp nhanh, thì phải tập trung cho những danh thắng chỉ Việt Nam mình mới có, khác hẳn với Lào Thái. Tăng cường chất lượng dịch vụ, môi trường cảnh quan những điểm đó lên chuyên nghiệp. Ví dụ: mấy điểm như Hà Giang, Sapa, Mù Cang Chải", anh Phong chia sẻ.

Thận trọng với slogan

Anh Trương Việt Chung, Công ty du lịch Open tour, nêu ý kiến, việc du khách quốc tế không quay lại Việt Nam tội lỗi không phải đổ tất “lên đầu” những người làm trong ngành du lịch.

Mời khách quay lại lần hai, Việt Nam chỉ cần nở nụ cười thân thiện! - 2

“Vấn nạn chặt chém tôi nghĩ phải còn khá lâu mới khắc phục được. Chặt chém ở đây chưa hẳn là do các công ty du lịch mà do hệ thống ăn theo các sản phẩm du lịch, và đều không phải đang ở trên tour”, anh Chung cho hay.

Theo đại diện của Open tour, trước tiên chúng ta phải giải quyết được tư tưởng của một số người dân kinh doanh ở Việt Nam hiểu rằng khi khách nước ngoài đến nước mình họ không phải là “con mồi béo bở”. "Phải nâng cao ý thức đối với những người đó rằng: họ sẽ quay lại và giới thiệu nếu mình làm tốt. Và chỉ khi giải quyết được vấn nạn chặt chém rồi thì mới bàn đến các vấn đề khác", anh Chung khẳng định.

Bàn về câu chuyện lấy bài học Thái Lan hay Singapore để Việt Nam phát triển du lịch, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, để Việt Nam phát triển như Thái Lan và Singapore thực sự rất khó với ngân sách hạn chế và chính sách chưa thực sự ưu tiên cho ngành lịch như hiện nay.

Ông Lê Công Năng cho rằng, chúng ta cần hạn chế thậm chí xoá bỏ điểm yếu về văn hoá du lịch, khai thác điểm mạnh về tài nguyên du lịch, phân tích thách thức mới nhất là khi thoả thuận nghề du lịch Asean được thông qua ngày 9/8, tìm kiếm cơ hội từ những hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế. Cùng với đó, chúng ta cũng cần cầu thị học hỏi và làm phù hợp các cách làm marketing hay của Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc...

Mời khách quay lại lần hai, Việt Nam chỉ cần nở nụ cười thân thiện! - 3

Ngoài ra, một số ý kiến khác còn cho rằng, nếu chúng cứ “ôm” lấy slogan: “Vẻ đẹp bất tận” mãi cũng không ổn vì slogan này chứa nhiều yếu tố rủi ro, khiến khách kỳ vọng cao vào kỳ nghỉ tại Việt Nam, khi không được như kỳ vọng, họ sẽ thất vọng và khó có thể trở lại.

“Đẹp bất tận là đi đâu cũng thấy đẹp, đẹp mãi, đẹp không kể hết chỉ cần một số cái không đẹp là chết rồi. Slogan không phải là nghĩ ra cho vui, cho hay mà cần có tính thực thi nghĩa là tất cả các hoạt động du lịch hướng theo cái slogan đó. Ví dụ Thái Lan: Amazing Thái Lan nghĩa là đến Thái Lan là phải trầm trồ, mê hoặc, và họ làm được Philipiine là “More fun” nghĩa là tập trung vào trải nghiệm vui, đáng nhớ. Với Hàn Quốc: “Hàn Quốc là của bạn” khiến chuyến đi của du khách thoải mái, thân thiện nhất... ”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành chia sẻ.

Hữu Thắng (bài ảnh)