Mở cửa du lịch, đón khách: Thời cơ chín muồi, không thể trì hoãn!

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhiều tỉnh đã bắt đầu khôi phục lại hoạt động du lịch, việc chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc cũng đã sẵn sàng.

Đây là thời điểm "chín muồi" để mở cửa du lịch

Trong bối cảnh khó khăn chung bởi đại dịch, thiệt hại du lịch gần như đã "chạm đáy", ông có thể đánh giá về sự cần thiết, tính khả thi của việc mở cửa du lịch?

Bức tranh du lịch rất ảm đạm trong gần hai năm qua. Thống kê sơ bộ về các chỉ số chính đều có sự sụt giảm. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được khách quốc tế trong 3 tháng đầu tiên với 3,7 triệu lượt khách, giảm 80% so với năm 2019.

Khách nội địa năm 2020 đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau 4 đợt dịch bùng phát, nguồn lực doanh nghiệp đã cạn kiệt, du lịch gần như đã "chạm đáy". Thời điểm này, việc khôi phục lại hoạt động của ngành là một trong những yêu cầu cấp bách.

Mở cửa du lịch, đón khách: Thời cơ chín muồi, không thể trì hoãn! - 1

Du lịch Việt Nam trải qua 2 năm kiệt quệ bởi những ảnh hưởng của đại dịch. (Ảnh: Toàn Vũ).

Việc mở cửa trở lại sẽ giúp hoạt động du lịch dần trở lại quỹ đạo. Các doanh nghiệp sẽ quay trở lại kết nối với đối tác, bạn hàng, tìm kiếm thị trường sau hai năm đứt gãy.

Ngoài ra, trong hai năm vừa qua, số lao động trong ngành du lịch đã bị phân tán rất lớn. Việc mở cửa cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút, đào tạo lại lao động đặc thù.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sự hồi phục của ngành cũng sẽ lan tỏa, tạo tiền đề để các hoạt động kinh tế khác sớm trở lại quỹ đạo bình thường.

Để có thể mở cửa du lịch an toàn, nhiều nước đã tiêm phủ vaccine với tỷ lệ cao, hợp tác, chia sẻ dữ liệu và áp dụng các giải pháp số. Ngoài ra, thông qua những "bong bóng du lịch", "hành lang xanh" kết nối những điểm đến xanh an toàn một số nước cũng đã kích hoạt du lịch dần trở lại trạng thái bình thường mới. Vậy theo ông, chúng ta đã có những điều kiện nào để có thể tiến hành mở cửa du lịch an toàn? Đâu là thời điểm thích hợp để du lịch có thể tái khởi động?

Chúng tôi đánh giá, đây là thời điểm chín muồi để chúng ta triển khai việc mở cửa du lịch. Trong thời gian qua, chủ trương của Đảng, Chính phủ rất ủng hộ việc vừa phòng chống dịch an toàn vừa sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, kết luận số 07 tháng 6/2021 của Bộ Chính trị cho phép khôi phục hoạt động kinh tế, trong đó có việc thí điểm đón khách quốc tế đến một số điểm theo hình thức hộ chiếu vaccine.

Ngoài ra, công văn số 6345 ngày 10/9/2021 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Kiên Giang quay trở lại đón khách quốc tế. Trên cơ sở đánh giá kết quả sẽ mở lại một số trung tâm du lịch khác.

Mở cửa du lịch, đón khách: Thời cơ chín muồi, không thể trì hoãn! - 2

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thời điểm này là "chín muồi" để mở cửa du lịch. (Ảnh: Mạnh Quân).

Đặc biệt, ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết 128 rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

Thời gian qua, tỉ lệ bao phủ vaccine tại nhiều tỉnh thành trong nước rất cao, số ca nhiễm trong cộng đồng đã được khống chế. Điều này chứng tỏ năng lực y tế của chúng ta đã có những cải thiện.

Các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch mong muốn quay trở lại họ đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ.

Người dân cũng nâng cao ý thức phòng dịch trong 4 đợt dịch vừa qua. Đó là những yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin ngành du lịch có thể khôi phục lại trong thời điểm này.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ đi theo hình thức "hộ chiếu vaccine"

Cụ thể, cho đến nay Việt Nam đã trải qua một năm rưỡi dừng tiếp nhận khách du lịch nhập cảnh, vậy lộ trình mở cửa quốc tế đón khách đang được thực hiện ra sao, thưa ông?

Về lộ trình mở cửa, đón khách quốc tế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong thời gian qua, Bộ đã chủ động cùng các ban ngành liên quan phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang hoàn thiện kế hoạch chi tiết đón khách đến Phú Quốc.

Mở cửa du lịch, đón khách: Thời cơ chín muồi, không thể trì hoãn! - 3

Đối tượng khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sẽ đi theo hình thức "hộ chiếu vaccine". (Ảnh: Hữu Khoa).

Theo dự thảo của kế hoạch này, việc đón khách quốc tế dự kiến được triển khai vào tháng 11 sắp tới, kéo dài từ 3-6 tháng. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả việc thí điểm sẽ triển khai thêm một số địa phương khác trên cả nước.

Đối tượng khách du lịch quốc tế sẽ đi theo hình thức "hộ chiếu vaccine", phải hoàn thành việc tiêm chủng vaccine, test PCR... Đồng thời khách tham gia du lịch trọn gói với các chuyến bay charter đến Việt Nam.

Trong đề xuất thí điểm đón khách quốc tế, chúng tôi cũng đề xuất ưu tiên đón khách ở những thị trường tiềm năng đối với du lịch và có độ an toàn cao về phòng, chống dịch Covid-19 như thị trường Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Úc...

Đến thời điểm này, Phú Quốc đã hoàn thành việc tiêm chủng mũi một cho tất cả người dân và người lao động trên 18 tuổi. Địa phương đang có kế hoạch tiêm mũi 2 trong tháng 10 này.

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho việc thí điểm mở cửa đón khách quốc tế vào Phú Quốc đang được hoàn thiện.

Quy trình xuất nhập cảnh, phục vụ khách đảm bảo an toàn và chất lượng, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia thí điểm cũng như các chương trình du lịch đều đang được hoàn thiện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với tỉnh Kiên Giang hoàn thiện kế hoạch truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường trọng điểm trên các nền tảng mảng xã hội và một số kênh truyền thông quốc tế lớn.

Chúng tôi hi vọng với sự nỗ lực của tỉnh Kiên Giang và các Bộ, ban, ngành liên quan, khách du lịch quốc tế tham gia chương trình thí điểm này sẽ có trải nghiệm tốt trong giai đoạn thí điểm này.

Ngoài ra, hiện nay một số địa phương cũng đã mạnh dạn có văn bản gửi Chính Phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cho phép thí điểm đón khách quốc tế cùng với Phú Quốc như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam...

Hoạt động du lịch đang được khôi phục ở nhiều địa phương

Hiện nay việc đi lại giữa các tỉnh thành vẫn còn những quy định khác nhau. Nếu mở cửa du lịch mà kèm theo quá nhiều điều kiện và các tiêu chí thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý du khách cũng như việc nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới của doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta cứ nói "mở cửa" nhưng thực chất thì hiệu quả lại không đạt được, thưa ông?

Đúng là, trong thời gian qua, mặc dù có văn bản hướng dẫn, chủ trương rất cụ thể, thông thoáng của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương nhưng việc đi lại giữa các địa phương vẫn đang còn nhiều bất cập.

Tôi cho rằng, căn cứ quan trọng nhất hiện nay là chủ trương của Chính phủ, thể hiện trong Nghị quyết 128 vừa ban hành, nêu rõ không tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền để tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp được phục hồi.

Ngày 12/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch rất rõ.

Việc kiểm soát, có phải xét nghiệm hay không phải phù hợp với các cấp độ dịch và cho địa phương tự đánh giá chứ không phải bắt buộc.

Đồng thời trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng chủ động, liên tiếp đưa các văn bản hướng dẫn tạm thời cho việc đi lại kể cả đường bộ, đường sắt, đường không...

Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng đã ban hành một hướng dẫn chung cho việc thích ứng, linh hoạt phòng chống dịch hiệu quả trong các hoạt động văn hóa, du lịch.

Đó là một trong những căn cứ để các doanh nghiệp và địa phương mong mỏi phục hồi du lịch có thể triển khai.

Nhiều địa phương kiểm soát dịch tốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần mở lại các hoạt động kinh tế, dịch vụ, trong đó có du lịch.

Hiện nay có nhiều địa phương triển khai việc thí điểm theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu, đón khách du lịch nội tỉnh, sau đó xây dựng kế hoạch thu hút khách từ các địa phương khác đến địa phương mình để du lịch nội địa khôi phục.

Mở cửa du lịch, đón khách: Thời cơ chín muồi, không thể trì hoãn! - 4

Ông Nguyễn Trùng Khánh (thứ 3 từ trái sang) trong tọa đàm "Mở cửa Du lịch thế nào để an toàn" do báo Dân trí tổ chức. (Ảnh: Mạnh Quân).

Trải qua 4 lần làn sóng Covid-19, có thể nói doanh nghiệp du lịch lúc này đều đã kiệt quệ. Để mở cửa, thích ứng với điều kiện mới chúng ta phải có chính sách hỗ trợ, nguồn vốn để các doanh nghiệp duy trì và yên tâm hoạt động, kinh doanh. Hiện nay, đã có những đề xuất và hỗ trợ như nào cho các doanh nghiệp, thưa ông?

Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL, có cơ chế cho việc khôi phục hoạt động du lịch trong cả nước trong đó đề cập đến chính sách kích cầu và phục hồi hoạt động du lịch theo 6 nhóm giải pháp cụ thể:

Thứ nhất: Đảm bảo an toàn với khách du lịch.

Thứ hai: Đa dạng hóa sản phẩm thích ứng với cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh bình thường mới.

Thứ ba: Tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Mở lại du lịch trên các nền tảng số.

Thứ 4: Việc ứng dụng thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch cần các địa phương, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư hơn nữa.

Thứ 5: Hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên các cơ chế, chính sách. Về phía Tổng cục, chúng tôi đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, luôn bám sát, cập nhật đề xuất từ phía doanh nghiệp du lịch cho các hình thức hỗ trợ như: gói hỗ trợ tài khoán, lãi suất ưu đãi cho vay. Về tài chính như: giãn, hoãn các khoản thuế, phí... Quan tâm tới việc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hướng dẫn viên du lịch...

Thứ 6: Tìm cách phát triển nguồn nhân lực lao động về du lịch trước thực trạng đã hao hụt rất nhiều vì dịch bệnh. Có kế hoạch đào tạo lại kĩ năng, nghiệp vụ...

Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ, phối hợp các bộ, ngành có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người lao động.

Trong 2 năm qua, chúng tôi liên tiếp có những đề xuất, đến nay đã đạt được kết quả bước đầu như giảm giá tiền điện đối với các cơ sở lưu trú, đưa về giá ngang bằng các cơ sở kinh doanh.

Giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch. Hay các loại thuế VAT, phí phải nộp là gánh nặng lớn, cần có thời hạn kéo dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Hôm nay, chúng tôi cũng đang cùng các bộ, ngành trao đổi, để điều chỉnh Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hỗ trợ cho một số đối tượng, trong đó có hướng dẫn viên du lịch để cải thiện điều kiện sống, một phần hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, thúc đẩy trở lại các hoạt động du lịch.