Mai Châu mùa Noel
Người ta bảo đi Mộc Châu mới đẹp, ấy là nơi được mệnh danh là Đà Lạt của miền Bắc, cao nguyên của những cánh đồng hoa, còn Mai Châu không có gì.
Nếu đã đến Mai Châu thì cố dấn thêm 60km nữa qua một con đèo là đến Mộc Châu chứ đừng ở lại trong bản, vô ích. Người ta bảo Mai Châu không có nhà nghỉ và khách sạn, chỉ tròm trèm mấy nếp nhà sàn vì có ai đến mấy đâu? Người ta bảo đi qua Hoà Bình nếu có nhiều thời gian hẵng ghé đền Thác Bờ, vì ngồi thuyền từ bên này qua bên kia sông mất cả tiếng. Đi đi về về hơn hai tiếng rồi, ngồi thuyền sốt ruột lắm.
Hỏi ai cũng ngần ấy ý. Đi rồi mới biết, hoá ra người ta bảo sai cả.
1. Chúng tôi đi qua thành phố Hoà Bình, ghé đập thuỷ điện sông Đà, rồi từ cảng du lịch Thung Nai, huyện Cao Phong, chỉ mất 15 phút là tới đền Thác Bờ. Nếu lên thuyền từ cảng xã Thái Thịnh trên đập thuỷ điện Hoà Bình thì quả mất tới một tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước; khởi hành từ bến Nước, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong thì cũng mất ngót một tiếng. Tuy nhiên, cảng du lịch Thung Nai nằm sâu trong huyện, không nhiều khách du lịch biết đến.
Vừa xuống chân dốc Cun, xuôi theo đường Tây Tiến đã thấy một cậu thanh niên phóng xe máy ra hiệu với tài xế hãy đi theo cậu. Cậu chính là người lái thuyền. Các lái thuyền đều theo cách này, hằng ngày ra đứng đón lõng ở ngã ba đường, rồi từ đó dẫn khách đi vòng vèo hơn hai chục cây số ra đến bến cảng. Chiếc thuyền của cậu có giá thuê 1 triệu đồng cho 10 khách.
Khu vực cảng Thung Nai cũng có nhiều khu du lịch sinh thái, nhưng nom tiêu điều. Khách phần lớn không dám ăn uống gì ở những nhà hàng trông rõ hoang vu này. Họ thường đặt các nhà dân trên hai khu đền nấu cơm rồi bày biện lên thuyền ăn trưa tại chỗ.
Đền Thác Bờ nức mùi cá nướng. Các loại cá sông (Đà) được kẹp nứa, phết dầu và nướng trên than củi, giá dao động từ 70.000 tới 400.000 đồng cho một con cá măng nướng dài hơn nửa mét. Khó ai đừng được trước món ăn đặc sản này, nhất là ngày chúng tôi đi thuyền qua sông, trời rét, mưa bụi lâm thâm và gió thốc tháo đẩy đưa cả hơi lạnh buốt lẫn mùi cá nướng ấm áp.
Tác giả (thứ 2 từ trái sang) trong trang phục phụ nữ Thái
Hôm ấy vắng lặng, không đúng rằm, mùng một, nếu không ắt hẳn khó lòng chen chân lên nổi những bậc thang hẹp chật kín những đệ tử đông đảo của các đội hầu đồng. Nếu có nhiều thời gian, thời tiết đẹp, du khách có thể tham quan thêm bản Mu để khám phá văn hoá sống của người Mường, đi thuyền trên lòng hồ thăm hang Trạch, động Thác Bờ với hằng hà thạch nhũ.
2. Rời thành phố Hoà Bình, chúng tôi tiếp tục khởi hành đi Mai Châu, cách 60 cây số. Trên đường đi, khách thường dừng lại nơi lưng đèo. Ở đó có mấy túp lều ủ khói ngô thơm. Món ngô nương nơi này, có lẽ là thứ ngô ngon nhất tôi từng nếm thử.
Ngô luộc trong nồi ám khói than củi. Hạt ngô căng mẩy, giòn, bùi và ngọt lịm. Co ro tránh gió núi, khách sưởi ấm tay lạnh cóng qua hơi nước ngô đang bốc khói. Chẳng ai lại từ chối mang theo vài chục bắp ngô luộc và dăm đõn mía mùa hanh ngọt lịm để tối về nhẩn nha trên nếp nhà sàn.
Nơi hấp dẫn tất cả khách du lịch đổ về Mai Châu chính là Bản Lác. Từ đường cái vào bản chỉ chừng một cây số. Trên lộ có nhiều nhà nghỉ giá rẻ và Mai Châu Lodge, một khu resort 3 sao có cả tắm xông hơi. Trong bản còn có resort Mai Châu Riverside, giá đắt hơn, tới 4 triệu/1 bungalow.
Tuy nhiên, rất hiếm người lưu lại nhà nghỉ hay resort, lý do là những chỗ ở này tách biệt với bản Lác. Mà để sống đúng không khí Mai Châu, không gì bằng được ở trong bản cả ngày. Mai Châu từng là một trong năm châu của phủ Chợ Bờ khi thành lập tỉnh Mường, tiền thân của tỉnh Hòa Bình (năm 1886). Năm ấy có lẽ người Mường không hình dung được có ngày người da trắng lại tung tẩy đi lại kìn kìn trong bản của mình.
Khách Tây đến Sapa dù có muốn lắm ở lại trong các làng bản nhưng cũng bất tiện vì người Mông, người Dao đỏ không mấy khi mở dịch vụ lưu trú homestay. Cũng có lẽ do lối kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc Mông, Xa Phó, Tày, Dao đỏ… không phù hợp chăng? Đến bản Lác, thấy tới vài chục nhà sàn được đánh số phục vụ du lịch. Người thiên hạ vẫn chê Việt Nam làm dịch vụ du lịch kém, nhưng đến Mai Châu không thấy như vậy.
Đúng hơn, người Mường, người Thái sống trong bản Lác làm dịch vụ rất tốt. Và thứ thu hút du khách đến đây chính là các dịch vụ du lịch, bởi cảnh trí ở Mai Châu đâu có đặc sắc như trên cao nguyên Mộc Châu, các di tích lịch sử và di sản vật thể lại hầu không có gì.
3. Đầu tiên là các nhà sàn trong bản Lác rất tiện nghi, có karaoke, loa dàn hoành tráng, cả internet và truyền hình K+. Công trình phụ dưới trệt sạch sẽ, có bình nước nóng và nhiều gian để tiện lợi cho khách đến nghỉ. Khách ăn tối ngay dưới gầm sàn, đồng thời là nhà hàng. Ban ngày khách đi xe đạp vòng quanh bản Lác và những nương lúa trong thung lũng, hoặc đi bộ dọc bản mua đồ lưu niệm, chủ yếu là khăn thổ cẩm.
Buổi tối, mỗi nhóm khách nghỉ thường liên hệ với một đội văn nghệ bản đến biểu diễn và giao lưu nhảy sạp, uống rượu cần ngay trên nhà sàn. Muốn đông vui hơn nữa, khách đi bộ qua những cánh đồng tối thẫm ra khu vực sân vận động, ở đó lúc nào cũng sẵn có hàng nghìn người đang đốt lửa và múa sạp.
Mới biết khách du lịch đến Mai Châu đông đến thế. Các cô gái văn công Mường, Thái không đêm nào không có khán giả. Họ biểu diễn liên tục nhiều show, giữa ánh lửa bập bùng, âm nhạc huyên náo và những tiếng cười rộn rã. Tiếng khèn, tiếng cồng chiêng len lỏi khắp thung lũng và dội vào những vách núi đá thâm u tối sẫm.
Sân vận động chỉ là một bãi đất trống rộng rãi, vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ bởi lối đi xuống chỉ là một đoạn dốc đất dựng đứng và trơn trượt. Mai Châu không phù hợp mấy cho những người già cả và các cặp tình nhân. Đến bản Lác, bạn cần đi thật đông người, càng đông càng tốt. Bởi các hoạt động nhóm ở đây và nhà sàn tập thể dường như sinh ra để dành cho những cuộc vui náo nhiệt và đông đúc.
Múa sạp cần đông người, uống rượu cần cũng đông người chung vò mới vui, và không ai chỉ ngủ hai mình một nhà sàn rộng thênh. Vào những ngày đẹp trời, các chàng trai, cô gái tỉnh thành thường thuê những bộ trang phục dân tộc Thái rực rỡ sắc màu để đứng tạo dáng chụp ảnh giữa cánh đồng lúa trải vàng tới tận chân núi. Đồ thổ cẩm, chủ yếu là khăn quàng, cũng đa dạng và giá cả phải chăng.
Người Việt nghiện mua sắm, chẳng ai lại không rước vài chiếc khăn và dăm bó cải mèo, chục ống cơm lam về xuôi. Mặc dù ai nấy đều biết ấy đích thị là khăn Trung Quốc. Người Tàu dệt khăn lụa, khăn thổ cẩm xuất sang Sapa, Mai Châu, Hội An, Hà Đông, lại sản xuất búp bê mặc bộ dân tộc Mông, Dao, Tày… để người Mông, Thái bán cho người Kinh làm kỷ niệm.
Đi shopping trong bản cũng vui, là vui mắt. Những tiệm bán khăn thổ cẩm sặc sỡ san sát dưới ánh đèn vàng, gợi cảm giác ấm cúng và sầm uất của những khu chợ phiên ban đêm. Người bán hàng nói tiếng Kinh với khách bằng thái độ nhã nhặn và niềm nở của những người đã quen làm du lịch, rồi ngay sau đó lại xì xồ với nhau bằng tiếng Thái, tiếng Mường. Họ cũng không mấy khi nói thách giá.
Các khu nhà sàn đêm đến sáng rực ánh đèn, rộn rã tiếng cười nói vọng ra từ sau những vách gỗ. Nhà sàn thường cũng kiêm luôn nhiệm vụ của nhà hàng. Tới Mai Châu vào giờ cơm chiều là thành phản xạ có điều kiện nhớ đến câu thơ lãng mạn của cựu binh Tây Tiến - nhà thơ Quang Dũng: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Bụng đã đói, muốn khủng khiếp món xôi nếp thơm lựng trong ống lam ăn kèm lợn Mường, cá suối hấp lá dong, thịt gà đồi, su su luộc chấm muối vừng, rau cải mèo luộc đăng đắng để lại dư vị ngọt lịm nơi đầu lưỡi.
Cũng là có ngần ấy món, song ẩm thực bản Lác là thứ khó chịu nhất trong suốt cả chuyến đi. Xôi nếp lạnh lẽo, khô khốc như xôi cúng và thịt gà đồi, thịt lợn Mường nhạt nhẽo giống thực phẩm để tủ lạnh dự trữ của các nhà hàng hạng hai dưới miền xuôi. Bụng lại nhớ món ngô nương còn để thành bọc trên nhà sàn.
4. Ngủ nhà sàn chính là một đặc sản ở bản Lác. Các nhà sàn được thiết kế to nhỏ khác nhau để các nhóm khách tuỳ ý lựa chọn dựa theo số lượng của thành viên đoàn. Nhà sàn chia làm hai gian, gian lớn dành cho khách, gian nhỏ bên cạnh là của chủ nhà. Trước khi lên ôtô khởi hành từ Hà Nội, tôi có vác theo một chiếc chăn điện, với nỗi sợ hãi cố hữu của kẻ miền xuôi lên miền ngược, sợ cái lạnh núi rừng giữa đêm đông.
Chủ nhà kê cho chúng tôi 12 chiếc nệm cói nhỏ tí xíu với đầy đủ chăn bông. Tôi nằm trong chăn điện ấm áp, sát vách, mắt chong chong nhìn những thanh xà rầm tối sẫm trong bóng đêm. Các đồng nghiệp đã ngủ say trên những nệm cói bên cạnh. Tôi cũng chìm dần vào giấc mộng với chập chờn đồi núi trong giai điệu êm ái của bản nhạc “Trái tim mùa thu” phát ra từ chiếc Ipod nhỏ tí xíu gắn vào tai.
Nhưng cũng chỉ được vài tiếng đã bị đánh thức bởi những âm thanh đặc trưng của núi rừng: Tiếng gió hú. Gió hú từng cơn, gió như có linh hồn, như kéo nhau về từ những vách núi đá xa xôi lạnh lẽo và những cánh rừng u linh hiểm trở, rồi đập sàn sạt ngay bên vách. Từ chập tối tôi đã lấy mọi thứ có thể, từ áo khoác cho đến khăn quàng để dắt vách nhằm tránh gió lùa qua khe.
Giờ hơi lạnh của gió núi như thấm qua từng tấm gỗ, qua chiếc chăn điện ấm sực để sục vào da thịt. Mà sao lạnh đến thế. Người Mường ngủ sao được ngần ấy thế kỷ giữa mùa đông lạnh giá này nếu như không có chăn điện, lò sưởi halogen hay điều hoà hai chiều. Chợt nhớ ra đêm mai là ngày Chúa giáng sinh.
Cứ đến ngày này thì thời tiết hôm qua có nắng đến mấy cũng đột trở lạnh. Chợt nhận ra hình như… mất điện. Chăn điện chỉ toàn dây điện từ ở trong cái vỏ chăn mỏng tang, mất điện thì cũng bằng nằm không. Đành run cầm cập nằm nghe tiếng gà tao tác.
Canh mấy chả biết, chỉ thấy một gà cất lên thì kéo theo sau bản hợp xướng của toàn thể gà trống bản Lác. Lại nghĩ kiểu AQ, mấy khi được nghe tiếng gà. Ở nhà chung cư thì gà chỉ có trong tủ lạnh. Gió hú đêm, gà gáy sáng, ầm ĩ phát nhức óc.
Đến chừng 5 giờ sáng thì thấy túc tắc có người thức giấc, động tác đầu tiên là ai nấy quờ tìm Iphone, kiểm tra tin nhắn và nick chat, rồi ầm ĩ cả nhà sàn, tranh cãi xem có thực là mất điện hay không. Tôi làu bàu:
- Tui nằm chăn điện, chẳng lẽ lại không biết có mất điện hay không.
Đồng nghiệp phì cười. Người người nằm trong chăn bông thường, giờ ấm sực hơi người, thương tình mỗi bạn quẳng thêm cho chiếc chăn đơn còn nguyên hơi ấm, miệng không nỡ buông lời: “Khôn ngoan không lại ý trời”. Thôi thì lại AQ tiếp: May mà mất điện, nếu không mình ngủ say tít đến sáng trong chăn điện ấm áp, làm sao biết đến cái giá lạnh và thanh âm của đêm núi rừng.
Nhà văn Di Li
Theo Lao động