Leo núi cao 4.506m, khách Việt thở 3 bình oxy vẫn chóng mặt khó thở vì sốc
(Dân trí) - Bị say độ cao do thiếu oxy dẫn tới chóng mặt và khó thở, anh Trường phải uống thuốc chống nôn và thở 3 bình oxy để chinh phục núi tuyết Ngọc Long cao 4.506m ở Trung Quốc.
Núi tuyết Ngọc Long từ lâu đã trở thành điểm đến hùng vĩ tại thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Dãy núi gồm 13 đỉnh núi cao gần 5.000m như trải dài tới vô tận, được ví von với "con rồng trắng" bay lượn qua những đám mây.
Trong hành trình khám phá Lệ Giang hồi cuối tháng 10 vừa qua, anh Đoàn Phước Trường đến từ TPHCM, vui vẻ tiết lộ về việc đã vượt qua giới hạn của bản thân để chinh phục thành công.
"Dù mắc chứng sợ độ cao nhưng tôi tự hào là một trong số ít những người dám vượt qua giới hạn bản thân để chinh phục thành công đỉnh núi ở độ cao 4.506m. Trước đó, tôi phải xếp hàng từ 5h và là một trong số 500 khách may mắn được cấp phép lên núi trong ngày hôm đó", anh Trường chia sẻ cùng phóng viên Dân trí.
Hành trình chinh phục núi tuyết không hề dễ dàng khi nền nhiệt ngoài trời hạ xuống 0 độ C. Chào đón nhóm khách lên núi là trận mưa tuyết trắng xóa.
Do bị say độ cao nên trước khi lên đường anh Trường phải uống thuốc chống nôn. Vì thiếu oxy, vị khách đến từ TPHCM bị chóng mặt, khó thở, nên được cung cấp 3 bình oxy mang đi dọc đường. Anh còn thuê áo khoác dày mặc ngoài để giữ ấm.
"4.506m là giới hạn độ cao cuối cùng tôi có thể chịu đựng. Thế nhưng, tôi cũng chỉ ở trên đỉnh núi khoảng một tiếng là không chịu nổi. Sau khi hít thở 3 bình oxy, tôi đành xuống núi bằng cách hạ độ cao từ từ, ngồi thở dốc hàng tiếng vẫn chưa hết mệt.
Nguyên một ngày hôm sau, tâm trí tôi vẫn ở trạng thái lơ mơ. Tuy nhiên, cảm giác tuyệt vời khi lần đầu được đứng lên đỉnh Ngọc Long là điều không thể quên được", anh Trường tâm sự.
Bỏ qua chuyện say độ cao, anh Trường vẫn nhớ như in khung cảnh "như mơ" trên đỉnh. Có những thời điểm đám mây che phủ ngọn núi tạo nên vẻ huyền bí. Khi trời quang mây, trên nền trời xanh thẳm, đỉnh núi lấp lánh như ánh bạc.
Tùy theo sở thích từng cá nhân, có người lại muốn tới núi Ngọc Long lúc chiều tà để ngắm ánh hoàng hôn buông xuống hoặc thời điểm bình minh để cảm nhận sự thay đổi 4 mùa trong một ngày.
Theo kinh nghiệm của anh, hành trang quan trọng nhất để du khách chinh phục núi tuyết Ngọc Long là sức khỏe. Với những người mắc huyết áp cao, bệnh tim mạch hay vấn đề hô hấp hoặc trên 60 tuổi cần cân nhắc.
Ngoài ra, đây là ngọn núi có tuyết bao phủ quanh năm nên du khách cần chuẩn bị đầy đủ trang phục giữ ấm như găng tay, áo khoác dày, mũ len, khăn choàng. Dù được hỗ trợ bình oxy nhưng mỗi người cần chuẩn bị thêm thuốc riêng nhằm đảm bảo sức khỏe.
"Trước khi lên núi, khách nên hít thở trước một bình oxy. Không ăn quá no hay mang túi xách quá nặng và nên đi chậm, hít thở thật sâu. Nếu bạn thấy ù tai hoa mắt, cần di chuyển tới nơi thấp hơn và cung cấp thêm oxy", anh đưa ra lời khuyên.
Do đây là điểm tham quan nổi tiếng nên du khách có thể mất nhiều thời gian xếp hàng chờ dưới chân núi, nhanh nhất cũng mất khoảng 3 tiếng. Tùy theo điều kiện thời tiết, số lượng khách được phép lên núi sẽ bị hạn chế. Thậm chí, có những khách phải đăng ký trước một tháng theo khung giờ và ngày được chỉ định.
Để lên đỉnh Ngọc Long thông thường du khách sẽ có 3 lựa chọn. Du khách có thể ngồi cáp treo Vân Tam Bình lên độ cao 3.300m rồi chụp ảnh với đỉnh núi từ phía xa.
Cách thứ 2 là ngồi cáp treo Băng Xuyên tới độ cao 4.506m để nhìn thấy tuyết tận mắt. Còn cách cuối cùng là đi cáp treo tới độ cao 2.506m rồi đi bộ thêm tới độ cao 4.506m. Đây là cách thường dành cho những người có nền tảng thể lực tốt, thích chinh phục khám phá.
Anh Trường cũng liệt kê một số chi phí cơ bản, bao gồm giá tham quan núi Ngọc Long là 130 tệ (khoảng 450.000 đồng); giá vé bảo vệ môi trường 20 tệ (70.000 đồng); giá vé cáp treo khứ hồi 150 tệ (500.000 đồng); giá vé cáp treo đi xung quanh khu danh thắng trong 40 phút là 50 tệ (170.000 đồng).
Ngoài ra, du khách có thể thuê áo khoác dày mặc ngoài với giá 60 tệ (210.000 đồng); bình oxy cầm tay giá 80 tệ (280.000 đồng). Trên đỉnh núi có trạm phục vụ đồ ăn nhanh, cửa hàng bán đồ giữ nhiệt, nước giải khát, bình oxy, quà lưu niệm và trạm cấp cứu.
Ảnh: Trần Thiên Ngọc